Cháy luật?

TP - Hình ảnh những người lính cứu hỏa chống cằm ngồi tư lự trên xe cứu hỏa nhìn cánh cổng khép kín của công trường Keangnam - nơi đang xảy ra vụ cháy là hiện tượng bất thường. Bởi lẽ, lính cứu hỏa không sinh ra để ngắm khói tỏa, lửa cháy.

Dư luận đặt câu hỏi: Keangnam là ai mà lại có thể cho mình một lối hành xử dị biệt như thế? Keangnam không thể là vương quốc riêng cho dù địa điểm xây tòa tháp là khu đất vàng của Thủ đô. Dẫu Keangnam là nhà đầu tư nước ngoài và theo như những câu tự quảng cáo (treo trên công trường tòa nhà cao nhất Việt Nam đang hối hả thi công): “Tiên phong toàn cầu”, thì họ cũng không thể vì tiên phong mà quên mất “Luật Phòng cháy chữa cháy” (PCCC) của Việt Nam. Theo đó, trong mọi trường hợp, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát PCCC có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Có thể hiểu, cho dù lúc xảy ra cháy, năng lực của Keangnam đủ sức dập được lửa nhưng không vì thế họ có quyền “kín cổng cao tường” thiếu hợp tác với lực lượng chuyên trách theo luật sở tại như những gì mà báo chí ghi nhận. Nếu như những gì mà báo trí ghi nhận đúng bản chất sự việc thì, dư luận vừa băn khoăn vừa khó hiểu trước việc lực lượng PCCC được huy động đến hiện trường ngồi nhìn đám cháy từ bên ngoài, trong khi trong tay họ đang cầm chắc chiếc gậy Luật PCCC. Luật Việt Nam, trên đất Việt Nam và ngay tại thủ đô, song những người thực thi nó đối xử chưa đúng với tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Từ một việc không lớn này nhưng những hình ảnh ấy khiến dư luận lo lắng về sự xem thường và thách thức pháp luật, cũng như những người nắm giữ nó dễ chấp nhận, buông xuôi. Trở lại các chuỗi sự kiện trước đó, có nhiều chuyện xảy ra trên công trường Keangnam nhưng cơ quan báo chí muốn tiếp xúc làm việc không dễ; còn cơ quan chức năng hết lượt đến rồi đi và tai nạn vẫn diễn ra. Có những vụ tử nạn mà dư luận đang đặt nghi vấn với phía Keangnam, nhưng cho đến giờ vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Vì sao vậy? Keangnam là một nhà đầu tư nước ngoài trong rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Do đó, mở cổng hay không mở cổng, tự xử hay không tự xử khi hỏa hoạn xẩy ra, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn của Keangnam nói riêng, và các nhà đầu tư nước ngoài khác nói chung. Ngày xảy ra cháy tại Keangnam cũng là ngày Cty này bán nhà đợt cuối. Ai cũng muốn nơi mình ở là chốn bình an và có văn hóa nhưng sự bình an, nét văn hóa không phải có tiền là mua được. Người dân Thủ đô mong chờ một ngày tòa tháp sừng sững Keangnam hoàn thiện sẽ tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa 1.000 năm Thăng Long (chính Keangnam hứa hoàn thành công trình chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long). Nhưng, người dân Thủ đô cũng mong muốn nét đẹp đó không chỉ tồn tại ở vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189852&channelid=2