Chạy “nước rút” soạn thảo nghị định về điều kiện kinh doanh

Để một đạo luật ra đời về mặt thời gian nhanh nhất phải mất 1 - 2 năm, có khi kéo dài cả 3 - 4 năm; nghị định là văn bản hướng dẫn thi hành luật, do vậy nhanh nhất cũng mất 6 tháng đến 1 năm mới soạn thảo xong. Vậy mà hiện tại, rất nhiều bộ, ngành đang gấp rút hoàn thiện 49 nghị định (mà chủ yếu gộp lại các thông tư) về điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ trước 1.7 liệu có chất lượng?

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành trước ngày 1.7 .2016 là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1.7.2015 không phù hợp để xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành các nghị định thay thế.

Cụ thể, theo Luật Đầu tư (có hiệu lực từ 1.7.2015) quy định 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong đó chỉ có 16 ngành nghề mới, còn 251 ngành nghề đã được quy định trong các thông tư. Vì thế, Luật Đầu tư đã quy định từ ngày 1.7. 2016, các thông tư liên quan đến điều kiện kinh doanh mà các bộ ban hành hết hiệu lực, buộc phải nâng cấp lên thành nghị định (nghĩa là các bộ, ngành sẽ không được phép ban hành thông tư hướng dẫn, mà chỉ có duy nhất văn bản dưới luật là nghị định hướng dẫn thi hành luật mà thôi). Chính vì thế, hiện các bộ, ngành đang dồn tổng lực để rà soát, hồi quy các thông tư do mình ban hành thành nghị định trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Để có những nghị định chất lượng cần phải có đủ thời gian soạn thảo.

Thời gian đang đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên theo ý kiến của Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếng là soạn thảo nghị định song không ít nghị định được tổng hợp lại từ các thông tư do chính bộ, ngành ban hành. Và như vậy, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng “bình cũ, rượu mới”. Thậm chí, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư đang tạo ra hàng loạt “siêu nghị định”.

Về vấn đề này, tại cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây có sự tham gia của VCCI, lãnh đạo các bộ, hiệp hội, ngành nghề… đại diện VCCI đưa ra dẫn chứng: Bộ Công Thương gom 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế thì sắp xếp 70 thông tư thành 12 nghị định, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nâng cấp 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực thành 1 nghị định... Đấy là chưa kể đến, việc quy định của bộ này chồng lấn với bộ kia.

Các điều kiện quy định trong thông tư khi nâng lên thành Nghị định liệu có ổn hay không? Được biết, theo các chuyên gia, hiện nay nhiều thông tư hướng dẫn về điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, những bất cập này nếu tiếp tục đưa vào Dự thảo nghị định sẽ rất có vấn đề về chất lượng.

Theo đại diện Bộ Kế hoach- Đầu tư tinh thần của Luật Đầu tư là nâng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh ở thông tư lên nghị định nhưng phải đảm bảo thông thoáng, công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ rõ những bất cập việc nâng cấp thông tư lên nghị định ở khâu nước rút là do sức ép về thời gian nên rất nhiều bộ, ngành đã nâng điều kiện kinh doanh theo cơ học mà không theo tinh thần của luật. Cụ thể, hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp- PV), không đánh giá tổng kết thực tiễn hay có sự góp ý chéo của các bộ, ngành, chuyên gia... Đã thế, thời gian thẩm định cũng bị rút ngắn 1/3 so với quy định nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng, tính khả thi cũng như tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Dẫu mùng 1.7 là thời hạn chót để các bộ, ngành “đặt” các nghị định về điều kiện kinh doanh để thực thi Luật Đầu tư trong phạm vi quản lý Nhà nước của mình lên Chính phủ, nhưng nếu với “siêu tốc độ” về soạn thảo nghị định thế này e không ổn. Vì thế, không ít chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ: Các điều kiện quy định trong thông tư khi nâng lên thành Nghị định liệu có ổn hay không? được biết theo các chuyên gia hiện nay, nhiều thông tư hướng dẫn về điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, những bất cập này nếu tiếp tục đưa vào Dự thảo nghị định sẽ rất có vấn đề về chất lượng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) cho biết: Điều quan trọng hiện nay là phải kiểm soát được 49 nghị định đó. Trong đó nhiều thông tin phải được công khai. Chẳng hạn dự thảo nghị định sẽ bãi bỏ bao nhiêu điều kiện kinh doanh, sửa đổi bao nhiêu, giữ nguyên bao nhiêu và bao nhiêu điệu kiện doanh mới được thêm vào. “Ý nghĩa rất quan trọng của việc công khai những thông tin nêu trên nằm ở chỗ: Chính phủ và Thủ tướng sẽ biết được mình ký ban hành cái gì, có hợp lý hay không và đánh giá được tác động của những nghị định mới đối với xã hội, cải cách lần này có thực sự là cải cách hay không”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Việc tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, cho mọi người dân khởi nghiệp trong kinh doanh là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước… tuy nhiên chỉ vì “nước đến chân” các bộ mới “nhảy” để gấp rút soạn thảo ra những nghị định qua loa, hay nâng cấp các thông tư lên thành nghị định thì chỉ làm mất thêm thời gian cho đội ngũ giúp việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bản thân Thủ tướng mà thôi.

T. Giang -A. Tùng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chay-nuoc-rut-soan-thao-nghi-dinh-ve-dieu-kien-kinh-doanh-39067.html