"Chạy nuớc rút" với quy định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Kể từ ngày 1-9-2010, Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu có hiệu lực thi hành, đang trở thành một vấn đề "nóng" đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước vốn thiếu nguyên liệu phải nhập khẩu.

Các doanh nghiệp thủy sản phải liên lạc cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu vào Việt Nam để có thể mua được nguyên liệu-Ảnh: Hồng Văn. Theo Thông tư 25, các lô hàng nhập khẩu phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định của Việt Nam. Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về VSATTP do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (trừ trường hợp thủy sản do tàu cá nước ngoài thực hiện đánh bắt, chế biến trên biển bán trực tiếp cho Việt Nam). Lô hàng nhập khẩu chỉ được đưa vào sản xuất hoặc tiêu thụ tại Việt Nam sau khi được cơ quan kiểm tra của Việt Nam kiểm tra tại cửa khẩu hoặc nơi tập kết và cấp giấy chứng nhận hoặc thông báo đạt yêu cầu VSATTP. Việc thực hiện Thông tư 25 nhằm đảm bảo nguyên tắc hài hòa với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế (Hiệp định SPS về áp dụng các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật của WTO, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex)...) và tương đương với quy định của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, đảm bảo kiểm soát có hiệu quả về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn và thú y thủy sản (NAFIQAD), cho biết cục đã gửi công hàm và nội dung Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra VSATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu tới 42 nước có xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có chưa đầy 10 nước đăng ký danh sách xuất khẩu với NAFIQAD. Để đảm bảo cho quá trình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp không bị gián đoạn vì cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chưa đăng ký với cơ quan thẩm quyền Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu từ các nước kể trên cần nhanh chóng liên hệ với Văn phòng Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) để phối hợp gửi công hàm cho cơ quan thẩm quyền các nước chưa nhận được nội dung Thông tư 25; đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần khẩn trương đốc thúc bạn hàng phải “chạy nước rút” trong đăng ký với cơ quan thẩm quyền để cơ quan thẩm quyền gởi hồ sơ về NAFIQAD kịp thời hạn quy định. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm cả nước nhập khẩu khoảng 140.000-150.000 tấn thủy hải sản các loại, trị giá 300-320 triệu đô la Mỹ, trong đó, nguyên liệu thủy sản đông lạnh để chế biến xuất khẩu chiếm khoảng 96%. Riêng trong năm 2010, theo Vasep, các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ phải nhập khẩu khoảng 200 triệu đô la Mỹ nguyên liệu thủy sản cho sản xuất phục vụ các hợp đồng xuất khẩu. Theo TTXVN

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/39980/