Chạy thận nhân tạo: Biến chứng nào có thể xảy ra?

Hội chứng mất cân bằng thẩm thấu là biến chứng nặng của chạy thận nhân tạo. Đây là biến chứng hệ thần kinh xảy ra trong hoặc ngay sau lọc máu.

Theo BS Trần Minh Thiệu, trong bài viết đăng tải trên báo Sức khỏe & Đời sống vào cuối năm 2016, cho thấy, chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể, bằng cách tạo một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, dẫn máu ra bộ lọc để lọc các sản phẩm cặn chuyển hóa và nước dư thừa, rồi máu được dẫn trở lại cơ thể.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc, bệnh nhân nghi sốc phản vệ khi đang chạy thận nhân tạo gây ra tử vong.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc, bệnh nhân nghi sốc phản vệ khi đang chạy thận nhân tạo gây ra tử vong.

Biến chứng nào có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo?

Trước hết, theo BS Thiệu, biến chứng thường gặp có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo là hạ huyết áp. Điều này sẽ gây ra tình trạng buồn nôn và nôn. Đây cũng là triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng thẩm thấu.

Tụt huyết áp cũng có thể gây ra chuột rút, đau đầu. Bệnh nhân có thể bị đau ngực, đau lưng, sốt và ớn lạnh (do có chí nhiệt tố hoặc độc tố vi khuẩn xâm nhập vào máu do sử dụng nước pha dịch lọc không đạt tiêu chuẩn). Bệnh nhân có thể bị ngứa thường do dị ứng với một số chất có trong dịch lọc.

Đặc biệt, các biến chứng ít gặp nhưng nặng: Hội chứng mất cân bằng thẩm thấu, là biến chứng hệ thần kinh xảy ra trong hoặc ngay sau lọc máu, thường xảy ra trong 3-4 kỳ lọc đầu.

Biến chứng này xảy ra do nồng độ ure máu quá cao, rút ure nhanh làm ure trong tế bào chưa kịp khuyếch tán ra ngoại bào, gây ra chênh lệch áp lực thẩm thấu giữa nội bào và ngoại bào, áp lực thẩm thấu nội bào cao làm nước vào tế bào gây ra phù tế bào, đặc biệt tế bào não.

Biểu hiện lâm sàng của tình trạng biến chứng này là đau đầu, buồn nôn và nôn, ý thức u ám, có thể co giật, hôn mê.

Bệnh nhân cũng có thể gặp hội chứng sa sút trí tuệ do lọc máu; Hội chứng sử dụng bộ lọc lần đầu, Hội chứng không dung nạp dịch lọc acetat; Hội chứng ép tim do tràn dịch hoặc tràn máu khoang màng ngoài tim; Chảy máu cấp hoặc rối loạn đông máu. Ngoài ra có thể gặp các biến chứng co giật, tan máu cấp, tắc mạch do khí.

Những bệnh nhân lọc máu kéo dài có thể gặp nhiễm chất dạng tinh bột do lắng đọng beta2-microglobulin.

TS Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, đặc thù của chuyên ngành chạy thận nhân tạo là cùng lúc hàng loạt người được chạy thận, vì thế, nếu 1-2 người bị sốc phản vệ thì có do yếu tố cơ thể- từng cá thể.

Tuy nhiên nếu cùng lúc hàng loạt người bị thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước có đảm bảo tinh khiết, việc rửa quả lọc có đảm bảo sạch chất khử khuẩn... đã đúng quy trình, có còn chất tồn dư… hay không. Ngoài ra cần xem xét thuốc chống đông, dịch thẩm tách có đảm bảo hay không.

Để xác định nguyên nhân, cần có một hội đồng chuyên môn xem xét các tình huống, xét nghiệm xem có chất tồn dư

Theo TS Luận, các trường hợp sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo bản thân các bác sĩ cũng gặp, nhưng chỉ một vài ca chứ không đồng loạt, như bỗng dưng bệnh nhân có biểu hiện rét run, run người… thì ngay lập tức bác sĩ ngừng quá trình lọc máu, cấp cứu người bệnh thì không có tử vong. Nguy cơ tử vong còn tùy thuộc vào biểu hiện sốc phản vệ nặng hay nhẹ.

Liên quan đến vụ việc 6/18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đã tử vong, tối TS.BS Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đây là một trường hợp hi hữu, đau xót. Bệnh viện đã ngừng chạy máy để tập trung cấp cứu với phác đồ điều trị sốc phản vệ.

Theo TS Dương, sơ bộ, nguyên nhân xác định là sốc phản vệ nhưng còn nguyên nhân thì đang được các ngành chức năng (pháp y, công an thành phố, y tế) xác minh.

Hiện nguyên đơn Chay thận của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đang được niêm phong để điều tra.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/chay-than-nhan-tao-bien-chung-nao-co-the-xay-ra-20170529193028951.htm