Cháy và câu chuyện trách nhiệm

VOV.VN - Một số luật và văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy nhưng chưa đủ sức răn đe…

“Nhất thủy, nhì hỏa”. Hàng trăm vụ cháy với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản xảy ra mỗi năm đã cho thấy, không phải ngẫu nhiên người xưa đưa ra lời cảnh báo ấy. Chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn. Gần chục người vĩnh viễn ra đi. Hàng chục tỷ đồng biến thành tro tàn trong chốc lát. Sau mỗi vụ cháy, sau mỗi thiệt hại là những lời chia sẻ sâu sắc, là những hỗ trợ từ phía chính quyền, ngành chức năng và người dân; là những kinh nghiệm, bài học được rút ra. Việc đó là cần thiết. Nhưng điều cần hơn là làm sao để không còn những hậu quả nặng nề xảy ra do cháy; để không còn những bức xúc trong dư luận khi câu hỏi “trách nhiệm” luôn bị bỏ ngỏ. Có lẽ không thể tả hết, không thể nói hết nỗi đau khi nhiều người phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của những người thân trong các vụ hỏa hoạn. Xót xa hơn, hầu hết trong số họ đều biến dạng, hoặc không toàn thây. Có vụ cả gia đình không một ai còn sống. Đó là còn chưa kể tài sản trị giá hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng bị thiêu rụi, nhiều người bị đẩy vào gia cảnh khốn khó, doanh nghiệp điêu đứng vì đình trệ, khó khôi phục để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Ngọn lửa bao trùm toàn bộ hầu như toàn bộ quán bar

Theo thống kê của Bộ Công an, 10 năm trở lại đây, cả nước xảy ra gần 17.000 vụ cháy, làm chết gần 690 người, bị thương hơn 1.800 người. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4.000 tỷ đồng. Ngoài những vụ cháy ở các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, nhà dân… có đến hơn 6.000 vụ cháy rừng xảy ra. Chỉ trong 9 tháng qua, cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ cháy, làm 55 người bị chết, gần 120 người bị thương; thiệt hại hơn 900 tỷ đồng. Những vụ cháy này không chỉ gây thiệt hại lớn về người, về kinh tế mà còn ảnh hưởng lâu dài tới đời sống xã hội.

Đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau mỗi vụ cháy. Nhưng dường như nó không đủ sức ngăn cản nỗi giận dữ của “bà hỏa”. Bằng chứng là các vụ cháy hằng năm không giảm cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, thậm chí vụ sau còn nghiêm trọng hơn vụ trước. Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Nó xuất phát từ phía cơ quan quản lý, từ ngành chức năng và cả từ phía người dân. Chính vì vậy, nó cũng đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tuần lễ quốc gia An toàn-Vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ được tổ chức vào tháng 3 hằng năm. Hơn chục năm qua, các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị đều thực hiện rất đầy đủ yêu cầu này, nhưng hiệu quả đến đâu, nó có thực chất hay không mới là vấn đề đáng nói. Khi mới phát động, nó được hưởng ứng rất rầm rộ, nhưng rõ ràng là nó chưa trở thành ý thức và việc làm thường xuyên. Bởi, sau tuần lễ ấy, mọi chuyện lại “đâu về đấy”. Đến khi có hậu quả đáng tiếc xảy ra nó mới được nhớ tới. Tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “bắt cóc bỏ đĩa” như thế trách nhiệm thuộc về ai, nếu không phải là các cấp chính quyền, ngành chức năng? Chính sự bỏ lửng, làm không đến nơi đến chốn, chạy theo thành tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một phần nguyên nhân dẫn tới mất an toàn trong phòng chống cháy, nổ ở các khu công nghiệp, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị.

Từ sự coi thường, chủ quan ấy kéo theo các hệ lụy khác. Lâu nay, việc thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy nếu có cũng chỉ mang tính hình thức, làm theo phong trào. Chính vì vậy, việc không trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, các cơ quan, đơn vị và ở từng nhà dân là câu chuyện không còn lạ với nhiều người. Thiếu kiểm tra thường xuyên; thiếu hiểu biết quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; thiếu phương tiện; thiếu kỹ năng ứng phó trong các trường hợp cháy xảy ra, nhiều khi người dân đành phó mặc tính mạng, tài sản của mình trước sự hoành hành của “bà hỏa”. Và như thế, những thiệt hại nặng nề do cháy, nổ gây ra đương nhiên là không tránh khỏi.

Luật Phòng cháy và Chữa cháy và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định rõ trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy. Tùy theo mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm pháp luật. Đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng bị khởi tố, nhiều đối tượng phải đứng trước vành móng ngựa chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng thế là chưa đủ khi vẫn còn những bất an trong công tác phòng cháy chữa cháy; khi bài học kinh nghiệm vẫn chỉ là bài học thiếu tính thực tế.

Để các quy định của Luật Phòng cháy và Chữa cháy thực sự đi vào cuộc sống; để không còn những nỗi xót xa, day dứt do cháy, nổ gây ra rõ ràng công tác phòng cháy, chữa cháy phải trở thành ý thức và trách nhiệm thường xuyên của mọi tổ chức, gia đình, và của mỗi cá nhân. Đó là yếu tố căn cơ, quan trọng nhất. Chỉ khi nào thấy rõ trách nhiệm mới chấp hành đúng những quy định về phòng cháy, chữa cháy; mới đảm bảo được tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước, của công dân./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/binh-luan/chay-va-cau-chuyen-trach-nhiem-356272.vov