Cháy xe máy và những nguyên nhân không ngờ

(PLO) - Về vụ cháy tại nhà 416 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5 gây chết bảy người (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin), Công an TP.HCM cho biết qua công tác khám nghiệm, nguyên nhân cháy do xe máy đặt trong nhà, cạnh bảng điện. Lửa từ xe máy cháy lan sang vật dụng làm tóc và bảng điện khiến đám cháy bùng phát lớn và nhanh.

35% vụ cháy không rõ nguyên nhân

Theo Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), gần đây xảy ra nhiều vụ cháy ôtô, xe máy. Qua thống kê, nguyên nhân chủ yếu là sự cố từ hệ thống điện, như: chập điện, quá tải, đánh tia lửa điện, phóng điện (chiếm hơn 30%). Ngoài ra còn các nguyên nhân như: sự cố kỹ thuật, sơ suất của người tiêu dùng như để rơm rạ, nylon, giẻ quấn vào ống xả.

Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thống kê có hơn 35% vụ cháy nổ đến nay vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân. Để đảm bảo an toàn, Cục này đưa ra một số biện pháp phòng cháy cho người sử dụng .

- Người sử dụng phương tiện không lắp đặt thêm thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… hoặc nếu lắp thêm phải bảo đảm không bị quá tải về điện; tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và phải bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa tại những nơi có bảo đảm chất lượng.

- Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi xe có dấu hiệu khác thường (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét).

- Khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.

- Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh.

- Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; chủ phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật PCCC.

Nguyên nhân không ngờ đến: chuột

Thực tế cho thấy rất nhiều người đã ít nhất trở thành nạn nhân của việc chuột tấn công xe máy, nhẹ thì phải dắt bộ ra tiệm nối lại dây điện, thay dây dẫn xăng còn nếu nặng thì khả năng cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khối tài sản lớn của người dân mà còn uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người.

Những khoảng trống trên xe máy thế này là nơi ưa thích của chuột

Một khi đã bị chuột cắn các thiết bị, phụ tùng xe máy thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường như cháy xe, chập điện dẫn đến cháy một số thiết bị như nguồn, IC, hỏng bình ắc quy, cháy cụm điện khởi động…

Phòng tránh

-Nên để xe ở nơi thoáng mát: Điều này sẽ hạn chế được chuột tìm đến để tấn công bởi chuột thường chui rúc ở các góc hoặc nơi có nhiều bụi rậm, nhiều đồ đạc.

- Nên nuôi mèo hoặc đặt bẫy dưới gầm xe vào ban đêm: Mèo là khắc tinh của chuột, hơn nữa khi chúng ta di chuyển về nhà lốc máy thường nóng, đó là nơi lý tưởng để mèo nằm ngủ. Nếu nhà không có mèo thì nên đặt một chiếc bẫy dưới gầm xe.

- Vào mỗi buổi sáng trước khi khởi động nên kiểm tra xe: Thời gian kiểm tra xe không mất quá 2 phút vì vậy mọi người nên chú ý. Tuy nhiên, bằng mắt thường chỉ quan sát được ít không gian trong xe bởi bị che khuất bằng lớp vỏ nhựa. Nhưng dù sao đây cũng là việc cần làm để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

- Nếu trong quá trình vận hành xe thấy điều bất thường: Có vô vàn biểu hiện rằng xe bị chuột tấn công như: Khó khởi động xe, xe có tiếng nổ bất thường, mất toàn bộ điện, điện chập chờn… lúc đó không được cố gắng di chuyển mà cần tắt máy mang đi kiểm tra.

Q. Bảo

Nguồn PLO: http://plo.vn/tu-van/chay-xe-may-va-nhung-nguyen-nhan-khong-ngo-500309.html