Chế độ ăn sau phẫu thuật

PNCN - Theo các chuyên gia y tế, quá trình phục hồi cơ thể sau phẫu thuật đòi hỏi nhiều thời gian và sự cẩn trọng. Trong đó vài loại phẫu thuật như phẫu thuật dạ dày, túi mật, răng… còn yêu cầu bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn đặc biệt nhằm giúp giảm đau, ngừa các biến chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Theo trang web Lifemojo, dưới đây là vài loại phẫu thuật và các loại thực phẩm nên và không nên ăn sau khi phẫu thuật:

1. Phẫu thuật vùng bụng: Theo các chuyên gia, sự thay đổi chế độ ăn sau khi giải phẫu vùng bụng cho phép dạ dày và hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi. Bệnh viện Trung tâm Washington (Hoa Kỳ) đề xuất, bạn nên tuân thủ một chế độ ăn để lại ít cặn bã trong khoảng hai tuần sau phẫu thuật dạng này.

Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và để lại ít cặn bã trong đường ruột có thể giúp quá trình hồi phục vết mổ được mau hơn. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, thực phẩm gây kích thích, thực phẩm béo, nước sô đa, rượu cũng như các loại thực phẩm tạo gas, gây co thắt vùng bụng hoặc tiêu chảy.

2. Giải phẫu túi mật: Giới chuyên môn cho biết, túi mật có nhiệm vụ giúp tiêu hóa chất béo. Trong trường hợp túi mật bị cắt bỏ, cơ thể phải làm việc vất vả hơn trong quá trình tiêu hóa các loại chất này. Hậu quả khiến bạn có thể mắc phải các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi sau khi phẫu thuật.

Các bệnh nhân sau cắt bỏ túi mật cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chiên, thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol cũng như các loại thực phẩm được chế biến với bơ hoặc dầu ăn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến như bánh mì trắng,... cũng như các loại dầu thực vật và các loại chất béo khác.

3. Phẫu thuật thắt dạ dày: Phẫu thuật dạ dày được xem như dạng phẫu thuật giúp giảm cân cấp thời cho những người bị chứng béo phì nặng. Dạng phẫu thuật này cũng đòi hỏi người bệnh thay đổi chế độ ăn hàng ngày. Sau khi phẫu thuật, dạ dày trở nên nhỏ hơn, vì vậy, người bệnh cần giảm khẩu phần ăn. Theo các chuyên gia, trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh tiêu thụ các loại thực phẩm cứng.

Nên áp dụng chế độ ăn bao gồm các loại chất lỏng và các loại thực phẩm được nghiền nát. Người bệnh cần tránh ăn bỏng ngô, quả hạch và các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc và cần tây, vì chúng có thể gây khó chịu lên phần niêm mạc dạ dày. Và khi ăn các loại thực phẩm cứng, người bệnh cần tránh uống nước vì chúng có thể làm dạ dày đầy nhanh hơn.

4. Phẫu thuật miệng: Các dạng phẫu thuật ở miệng có thể làm thay đổi một cách tạm thời cách ăn của bạn. Khi bạn nhổ răng, giải phẫu xương hàm hoặc trồng cấy răng có thể khiến việc nhai một vài loại thực phẩm trở nên khó khăn. Theo giới chuyên môn, trong khoảng thời gian 24 giờ sau phẫu thuật răng, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn lỏng. Và suốt hai tuần sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm mềm như khoai tây nghiền hoặc bơ đậu phộng. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh ăn các loại thực phẩm cứng và giòn như các loại quả hạch, các loại hạt, khoai tây chiên, táo, ngũ cốc và các loại rau sống.

Nguyễn Niệm (Theo Zimbio)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/che-do-an-sau-phau-thuat.aspx