Chế tài doanh nghiệp bỏ trốn

Sau gần 1,5 tháng kể từ ngày Giám đốc Cty TNHH may mặc Vina Kangaroo (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bỏ đi 'không hẹn ngày trở lại', các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình vẫn chưa có được giải pháp để giải quyết quyền lợi về lương, BHXH khoảng trên 15 tỉ đồng cho hơn 900 CNLĐ ở đây.

CN phản ánh sự việc với phóng viên báo Lao động chiều 24.5. Ảnh: Đặng Tiến

Các cơ quan chức năng sẽ còn phải lúng túng rất nhiều khi xử lý những vụ việc tương tự, bởi pháp luật hiện hành thiếu quy định để xử lý. Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN - cho biết, đến thời điểm hiện nay cả nước đã có 106 doanh nghiệp (DN) với hơn 4.000 lao động, có chủ bỏ trốn, cùng số nợ 51,5 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH 45,6 tỉ đồng, nợ BHYT 4 tỉ đồng; nợ BHTN 1,9 tỉ đồng.

Năm 2009, khi hiện tượng chủ DN “bỏ đi không hẹn ngày trở lại” rộ lên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Tại điều 2 của quyết định này có ghi: “Đối với NLĐ bị mất việc làm tại DN mà chủ DN bỏ trốn trong năm 2009”…

Như vậy, quyết định này có nhắc đến “chủ DN bỏ trốn”, nhưng tiêu chí như thế nào là “chủ DN bỏ trốn” thì cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào định nghĩa cụ thể. Đồng thời, theo đó, cũng chưa có quy định về quy trình xử lý tài sản đối với DN có chủ bỏ trốn. Đây chính là “điểm thắt” của các cơ quan chức năng, khi những vụ việc tương tự như tại Cty TNHH may mặc Vina Kangaroo, khiến hàng ngàn NLĐ bị thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi.

Cho đến nay, hàng ngàn công nhân tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn tự thu xếp lấy việc làm, mất tiền lương, BHXH, BHYT... Đã đến lúc, pháp luật cần có những quy định, trong đó đưa ra những tiêu chí cụ thể thế nào là việc chủ DN bỏ trốn.

Chẳng hạn, trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày người đại diện theo pháp luật của DN vắng mặt mà không có thông báo cho chính quyền sở tại và không có ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác, và các cơ quan chức năng đã có những thông báo dán tại DN hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà họ không có phản hồi, thì được xem là “chủ DN bỏ trốn”. Và cơ quan chức năng được quyền thanh lý tài sản của DN theo trình tự luật định để trả lương, BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ và các khoản nợ khác (nếu có) mà chủ DN không được quyền có ý kiến. Như thế, các sự việc tương tự sẽ được giải quyết nhanh chóng, triệt để.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/che-tai-doanh-nghiep-bo-tron-675114.bld