Chênh lệch tỷ giá được tính vào chi phí hoặc doanh thu

Kể từ ngày 1/12/2009, toàn bộ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ của hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản được hạch toán ngay vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ.

Đây là hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính ban hành. Đối với doanh nghiệp mới thành lập, khi hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng được phân bổ dần vào thu nhập hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trường hợp chênh lệch tỷ giá tăng được phân bổ dần vào thu nhập tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp chênh lệch tỷ giá giảm được phân bổ dần vào chi phí tài chính của doanh nghiệp. Thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động. Trong giai đoạn sản xuất - kinh doanh, kể cả việc đầu tư để hình thành tài sản cố định mới, chênh lệch tỷ giá phát sinh sẽ được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong năm tài chính. Đối với các khoản nợ phải trả dài hạn, nếu chênh lệch tỷ giá khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên thì khoản chênh lệch này được hạch toán vào chi phí tài chính trong năm và được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp bị lỗ thì được phân bổ khoản lỗ cho năm sau. Thời gian phân bổ tối đa là 5 năm. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện mua - bán ngoại tệ cũng được xử lý tương tự: chênh lệch tỷ giá tăng được tính vào thu nhập tài chính trong kỳ; chênh lệch tỷ giá giảm được tính vào chi phí tài chính trong kỳ.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.com.vn/tianyon/index.aspx?articleid=133457&channelid=37