Chỉ 50% hộ gia đình ở Hà Nội cho phun chống muỗi tầng 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 25-8, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đang chỉ đạo cuộc họp chiều 25-8

Thứ trưởng Long bày tỏ lo ngại khi tình hình phun thuốc chống muỗi tại Hà Nội chưa triệt để. Có tới 15% hộ gia đình từ chối phun hóa chất diệt muỗi, 50% hộ gia đình chỉ cho phun tầng 1, 35% hộ không chấp nhận phun hết các tầng...

Cũng theo Thứ trưởng Long, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), bên cạnh đó tốc độ gia tăng và diễn biến phức tạp rất đáng lo ngại.

“Hiện nay, dù tỷ lệ nhập viện viện giảm 10-20%, nhưng chỉ số bệnh chưa có xu hướng giảm. Chuẩn bị đến ngày khai giảng, chúng ta cần kiểm soát tốt, không để học sinh mắc SXH trong trường học. Ngoài ra, chúng ta cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để kiểm soát các dịch bệnh khác nữa như tay - chân – miệng, H7N9. Hiện chúng ta tập trung vào SXH thì bệnh tay – chân – miệng lại tăng” – Thứ trưởng Long chia sẻ.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: Từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc SXH, 26 ca tử vong. So với cùng kỳ 2016 (hơn 56.000 số mắc), số mắc tăng 47,9%, số tử vong tăng 9 trường hợp. Số mắc bắt đầu từ tuần 20 và tăng sớm so với 2016.

Để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, Thứ trưởng Long kêu gọi mọi người dân cùng tham gia và cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. “Hiện Bộ Y tế đã có văn bản đối với Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng vào cuộc mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh…” – Thứ trưởng Long cho biết.

Tại cuộc họp, ông Lokky Wai, trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế Giới tại Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị của WHO: “Để phòng, chống dịch bệnh cần sự phối hợp liên ngành, đa ngành. Thứ hai là sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương. Việc phòng chống dịch là việc làm thường xuyên trong năm, chứ không phải đến khi dịch mới hô hào giải quyết.

Cuối cùng là cần đầu tư dài hơi cho dự phòng SXH. Phải nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và cộng đồng cho công tác chuẩn bị. Tổ chức WHO sẽ cam kết đồng hành với Bộ Y tế kiểm soát dịch bệnh. Sự cần thiết phải có chiến lược tầm quốc gia về công tác phòng chống SXH” – ông Lokky Wai nói.

HƯƠNG GIANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/chi-50-ho-gia-dinh-o-ha-noi-cho-phun-chong-muoi-tang-1-723652.html