Chi Bảo - "Thật ra chính mình cũng ghê gớm lắm"

Lúc là một diễn viên kiểu cách, lúc là một doanh nhân lạnh lùng, lúc lại là một "Freud" nói liên hồi về cái ác bên trong con người. Phải chăng người đàn ông này còn đang bị ám ảnh bởi vai diễn "ác nhân" trong bộ phim mới nhất của Victor Vũ - Scandal: Hào quang trở lại?

Phim coi "đã" còn khó, đừng nói tới việc đóng...

- Chào anh, quá lâu rồi mới thấy tên Chi Bảo quay lại màn ảnh rộng!

- Đúng là lâu rồi tôi mới đóng lại điện ảnh, sau một số phim của Lê Bảo Trung khoảng từ năm 2008. Với Victor Vũ thì có cái duyên, đáng lẽ trước đây có thể làm việc với nhau trong một phim khác rồi, nhưng tại bấy giờ tôi thấy chưa sẵn sàng và chưa phù hợp lắm. Lúc ấy Victor Vũ mời mình vào một vai, nhưng mình lại thích một vai khác, nên anh em hẹn nhau lần sau, và cái lần sau đó là đến bốn, năm năm sau. Tôi thích làm việc với Victor Vũ, một người khó tính nhưng trong cái khó ấy có sự đồng cảm.

- Điểm hấp dẫn anh nhất của vai diễn bác sĩ Quân lần này là gì?

- Một nhân vật có nhiều giằng xé nội tâm, diễn viên ai cũng thích một vai diễn như vậy cả.

- Có một sự trùng hợp thú vị là ở dự án “Scandal: Hào quang trở lại” này, hình như Victor Vũ cũng đã chọn mặt gửi vàng một số tên tuổi gần với cái nghĩa “hào quang trở lại”…

- Tôi nghĩ Victor Vũ chọn diễn viên phù hợp với vai. Còn cá nhân tôi, từ khi mới vào nghề, tôi chưa bao giờ bị hấp dẫn bởi “hào quang”. Bản thân tôi không có “hào quang” nên khó mà xét yếu tố “trở lại”. Tại sao tôi lại nói thế? Năm 1997, “Đồng tiền xương máu” chiếu ra, mọi người biết đến tôi, khán giả khi đó cũng chưa có internet giải trí nên người ta coi phim rất nhiều. Ngoài “Đồng tiền xương máu” tôi còn có những vai diễn khác. Tôi không cảm thấy áp lực gì, bằng chứng là tôi đã ngưng đóng phim một thời gian để đi làm sách. Năm 1999, tôi cùng Trương Ngoc Ánh mở một công ty. Ngay từ thời đó tôi đã cảm nhận tương lai của nghề diễn rất bấp bênh, không có gì ngoài sự ái mộ của khán giả, và vì muốn một cuộc sống có nền tảng vững vàng nên tôi đã chọn làm thêm một công việc khác nữa. Thời đó tôi đã vậy. Tôi làm việc tới hiện tại, chưa bao giờ ngừng nghỉ, ngoài đóng phim ra tôi còn có công việc của mình nên hào quang không quá quan trọng với tôi. Tôi không dành hết công sức của mình đi theo ánh hào quang nên tôi khó mà bị nó cuốn hút vào. Thêm nữa là nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi thấy mình chưa làm được cái gì để gọi là có “hào quang” cả, không như những người nghệ sĩ gạo cội ngày xưa có bề dày cống hiến. Tôi đâu có làm gì to tát nên không tới mức bị “hào quang” đè. Ra đường khán giả nhận mặt thì hỏi thăm, chỉ bấy nhiêu thôi.

- Nhưng quả thật là anh đã từng có một thời rực rỡ đấy chứ, với rất nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng bấy giờ có anh tham gia!

- Đó là khán giả nghĩ vậy. Riêng tôi thấy mình chẳng có gì ghê gớm hay huy hoàng. Ở vị trí một người diễn viên, tôi chưa làm được nhiều thứ lắm, mà cũng chưa có phim nào làm tôi tham gia làm cho tôi cảm thấy “đã” với nghề. Cho tới từng tuổi này, mấy anh em trong nghề thỉnh thoảng ngồi với nhau vẫn nói về chuyện này. Nói tới phim ảnh thì phải nói màn ảnh rộng rồi, suốt bao nhiêu năm qua, phim điện ảnh khiến mình coi thấy “đã” thôi cũng khó tìm chứ đừng nói tới việc mình đóng.

- Cái “đã” đó, anh định nghĩa nó như thế nào?

- Khi mình làm phim truyền hình, nhảy qua làm phim điện ảnh mình thấy “đã” hơn, sau khi làm điện ảnh trong nước rồi mình tham gia một chút phim nước ngoài thì mình lại thấy “đã” hơn nữa. Tôi thấy rất nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện một bộ phim Việt Nam. Tôi ước gì ngày nào đấy mình được làm những gì mình hình dung ra mà người đạo diễn cũng hình dung như thế, thì dù nó có thể là bộ phim không hay nhưng trước hết là mình “đã”, vì ít nhất nó không bị gò bó bởi cái này cái kia và bởi trăm ngàn khó khăn của thực tế.

- Suy ra cái “đã” của anh đơn giản là thỏa mãn bản thân mình? Nhưng anh đâu biết chắc là cái mà anh thấy “đã” khán giả xem xong họ có thấy “đã” hay không?

- Đúng vậy, mình cứ “đã” trước cái đã, nếu đúng khán giả khen, nếu sai khán giả chê, mà chê thì phải chịu. Dẫu sao tôi cũng làm hết sức tôi rồi, còn khen chê là chuyện khán giả, nhưng phải được làm với niềm đam mê mà không bị chặn lại bởi những vấn đề như: kinh phí, con người, điều kiện, thời gian… những điều cơ bản nhất.

- Vậy vai diễn nào làm anh “đã”, cứ cho là “đã” nhất trong số những vai diễn của anh từ trước tới giờ đi cũng được?

- Thật ra nói “đã” ở đây là sau này mình ngồi ngẫm nghĩ lại thôi, chứ đóng bất cứ vai nào tôi cũng cố gắng thể hiện hết sức mình. Tôi không bao giờ cho phép mình lơ là trong việc diễn, ví dụ như ngày mai quay mà hôm nay đi nhậu hay ra trường quay mà bị nhắc kịch bản. Có thể vai diễn chưa như tôi mong muốn, nhưng bao giờ bước vào nhân vật tôi cũng dồn hết sự chuẩn bị và tập trung cho nó. Tôi luôn thích vai diễn của mình ở thời điểm hóa thân, dù có lúc nào đó tôi không thích nữa hoặc nghĩ rằng nếu sau này gặp lại thể loại vai như vậy thì mình sẽ thể hiện nó bằng một trải nghiệm khác hơn.

- Năm, sáu năm không quay lại màn ảnh rộng, anh có thấy mình bị “ì” đi không?

- Tôi vẫn tham gia phim truyền hình mà, bốn, năm năm nay, năm nào tôi cũng đóng, chỉ có điều phim chưa chiếu thôi.

- Nghĩa là lâu rồi anh không thấy mình xuất hiện trên tivi đúng không?

- Tôi có đóng phim, có điều đóng xong rồi thì không biết phim chiếu ở đâu. Tôi vẫn luôn theo dõi phim ảnh, và vẫn luôn mong ước, như tôi đã nói, không nhất thiết mình được đóng một bộ phim hay, chỉ cần được xem một bộ phim hay là đủ. Gần đây nhất là năm ngoái, tôi có được xem một phim điện ảnh là “Âm mưu giày gót nhọn”. Sau khi xem phim xong tôi lặng im, không mong gì hơn ngoài việc được làm một phim giải trí đơn thuần như thế, một phim tiếp cận với công nghệ làm phim thế giới và khiến khán giả hài lòng. Hồi tôi qua nước ngoài, tham quan cách họ làm phim, tôi từng nghĩ không biết bao giờ nước mình mới làm được như họ, nhưng xem “Âm mưu giày gót nhọn” thì tôi đã lạc quan và nghĩ rằng, à, chuyện đó cũng không quá khó nên việc một lúc nào đấy mình làm khán giả thưởng thức một bộ phim cho “đã” cũng không quá xa vời.

Chưa có vai diễn nào ác khiên tôi quá ám ảnh

- Thông thường mất bao lâu anh bước ra khỏi một vai diễn?

- Từ lúc đọc kịch bản, nhân vật sẽ đi theo tôi suốt, nhưng xong phim từ từ nhân vật cũng sẽ mờ dần.

- Với vai diễn ghê gớm như bác sĩ Quân trong “Scandal - Hào quang trở lại” thì sao?

- Thật ra con người vốn lắt léo lắm. Công việc của tôi là công việc quan sát con người, sau nhiều năm làm nghề thì tôi đã có chút kinh nghiệm cho bản thân để thấy rằng con người rất dữ dội, đầy sự giằng xé và đầy những ý tưởng không mấy tốt đẹp, chỉ có điều chắc mình nhờ phước đức ông bà để lại nên những ý tưởng chưa trở thành hành động thôi. Hoặc cũng có thể do nền tảng giáo dục mình được hấp thụ nên ít nhất những sai lầm mình phạm vẫn chưa thành nông nỗi. Mình quen nhìn thấy người khác ghê gớm chứ thật ra chính mình cũng ghê gớm lắm.

- Bác sĩ Quân làm người ta chết trên bàn mổ, còn điều gì ghê gớm hơn được hành vi đó nữa chứ!

- Giết người đúng là ghê gớm nhất rồi, không cần bàn nữa. Bên cạnh cái ác mình nhìn thấy được thì tôi còn muốn nói đến cái “ác vô thức”. Cái ghê gớm mà tôi đề cập là những điều mình gây nên nhưng mình không hề hay biết.

- Bản thân anh cũng từng có những lần “ác vô thức” sao?

- Có chứ, cụ thể nhất là một lời nói nhẫn tâm, một hành động vô tình... khiến người ta tổn thương, người càng gần gũi với mình thì càng có cơ hội bị mình làm tổn thương nhiều nhất. Nguy hiểm là mình lại không biết. Mình rất vô tư trong khi đối phương đau buồn vì những gì mình gây ra, hoặc đôi khi mình đinh ninh là mình làm điều tốt cho người khác nhưng kỳ thực là mình đang làm người ta khổ. Mình phạm một sai lầm mà mình biết thì còn có thể ăn năn sửa chữa được, chứ “ác vô thức” thì rất khó khắc phục. Nếu chịu khó quan sát, mình sẽ nhận ra một ngày có rất nhiều ý nghĩ xấu len lỏi trong đầu mình, vì thế mình cần nhìn lại từng cái mong muốn của bản thân xem cái nào đàng hoàng, cái nào ích kỷ.

- Đến khoảng năm bao nhiêu tuổi anh mới bắt đầu quan sát bản thân mình?

- Khoảng năm 35 tuổi, không bắt nguồn từ biến cố nào cả. Những thắc mắc về cuộc sống lâu ngày dồn lại đến một lúc mình có câu trả lời cho nó. Đến một độ tuổi đủ sự trải nghiệm thì mọi vấn đề sẽ được nhìn ra.

- Nghe anh nói thì có vẻ anh rất hay suy nghĩ. Tại sao mình cứ phải suy nghĩ mà không bỏ bớt đi cho đỡ nặng đầu?

- Cũng được, người đời bây giờ làm biếng suy nghĩ lắm, đặc biệt là những người trẻ tuổi giống như tôi ngày xưa. Cuộc sống này luôn có những vấn đề cần giải quyết, còn nếu không giải quyết thì một mặt được xem là vô tư, nhưng mặt khác cũng ra vô tình. Mà đời tôi sợ nhất mình là người vô tình.

- Mối quan tâm lớn nhất của anh ở hiện tại là gì?

- Đời sống con người. Tôi thích tìm hiểu, khám phá, lý giải những gì thuộc về con người.

- Anh có hiểu rõ bản thân mình không?

- Cũng hiểu, mình phải hiểu thì mình mới thích được.

- Thích cả những khiếm khuyết của mình sao?

- Đâu có ai thích khiếm khuyết của mình. Mình chỉ cần thấy nó thôi là được.

- Theo anh, thấy để làm gì?

Thấy để biết rõ mình là người như vậy đó.

- Và sau đấy?

- Mình biết chấp nhận và không chối cãi. Giả sử có nghe ai nhận xét về mình, mình sẽ đỡ sừng cồ hơn. Và quan trọng nhất là nó giúp mình bình yên. Phần nhiều những loay hoay trong đời sống thường ngày của mình là do nhận thức của mình về bản thân. Không hiểu rõ bản thân khiến mình dễ đổ thừa hoàn cảnh khi mắc phải sai lầm hay thất bại. Người nào càng đổ thừa hoàn cảnh nhiều thì càng chứng tỏ người đó chẳng hiểu gì bản thân mình cả.

- Trong suốt quá trình đóng phim, đã từng có một vai diễn nào về góc tối bên trong con người khiến anh ám ảnh chưa?

- Chưa có vai diễn nào ác khiến tôi quá ám ảnh. Những gì mình diễn trong phim ngoài xã hội kia đang diễn ra đầy rẫy, cũng giết người, cũng quăng xác… Cái tôi quan tâm sau vai diễn là giả sử mình phạm một lỗi lầm nào đó, ở tương lai đi, chẳng biết khi xảy ra chuyện mình có xử sự được như nhân vật trong phim không hay lại tệ hơn? Có một điều tôi luôn quyết tâm làm cho bằng được là, nếu mình có lỡ phạm một sai lầm thì mình phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm.

- Anh có phải kiểu đàn ông có trách nhiệm không?

- Tôi rất muốn chịu trách nhiệm và luôn cố gắng chịu trách nhiệm khi phạm một sai lầm.

- Có bao giờ anh chối bỏ trách nhiệm của mình?

- Có chứ, không cần chờ đến chuyện lớn đâu. Bản năng con người là trốn tránh trách nhiêm, họ nghĩ cho mình nhiều hơn và đẩy khó khăn cho người khác. Khi mình hành xử bên ngoài thì mình cũng không tránh khỏi bản năng của mình, nên chuyện chối bỏ trách nhiệm ít nhiều cũng sẽ có. Nên tôi mới nói quan trọng là mình thấy được và nhìn nhận bản thân mình, đừng cố chối bỏ. Tôi luôn cố gắng dành một phần suy nghĩ về bản thân mình và cho tới giờ tôi vẫn chưa thấy mình có một cái hối hận gì lớn.

- Anh thấy gì sau những khoảng thời gian dành cho việc suy nghĩ về bản thân mình?

- Nghĩ nếu mà được chọn một lần nữa thì vẫn thích làm nghệ sĩ, và… làm thêm một cái gì nữa, như hiện tại. Không phải vấn đề tiền bạc, chỉ là để cân bằng đời sống. Làm thêm một công việc khác giúp mình khám phá hơn về cuộc sống, nhiều khi cứ đi riết trên một đường duy nhất, không hiểu người khác sống sao, mình sẽ trở thành một người tách biệt và kệch cỡm. Như thế thì thật đáng tiếc. Mình lại cứ tưởng cuộc đời chỉ có bấy nhiêu thôi thì hơi uổng. Mình cứ sống hết đi, kể cả cái tốt lẫn cái xấu.

- Cứ tưởng đời sống nghệ sĩ đủ lung linh choáng ngợp để không cần thiết đi tìm một đời sống khác…

- Thì những lung linh đó mình cứ sống đi, nhưng bên cạnh đó mình cũng phải hiểu được đời sống bình thường, vì mình cũng từng là một người bình thường đi lên mà chứ có gì khác thường đâu.

Text: Nguyen Khac
Photo: Tuan Fr.
Stylist: Thi Thi
Make-up: Dinh Nhon

Nguồn LeMedia: http://dep.com.vn/Giai-tri/Chi-Bao-That-ra-chinh-minh-cung-ghe-gom-lam/33736.dep