Chỉ bồi thường thiệt hại tinh thần cho người thân khi người bị oan đã chết

Khoản 4 Điều 27 của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân của nạn nhân bị oan sai chỉ được thực hiện trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua sáng nay (20/6) với tỷ lệ tán thành là 92,46%.

Trước đó, ngày 31/05/2017, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan hữu quan điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.

Luật có 9 chương 78 điều, trong đó đáng chú ý là nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường của nhà nước (Điều 4). Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.

Đối với việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, Luật không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan sai cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Luật sửa đổi đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, khoản 4 Điều 27 của Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự,bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. Vì vậy, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chi-boi-thuong-thiet-hai-tinh-than-cho-nguoi-than-khi-nguoi-bi-oan-da-chet-post230178.info