Chỉ còn đúng hai đội đủ sức đá đôi công, tạo nên trận chung kết trong mơ

Một nửa số đội lọt vào tứ kết Euro 2016 nhờ đấu pháp phòng ngự. Hai trong số bốn cái tên còn lại không thực sự giỏi tấn công. Chỉ còn đúng hai đại diện có thể tạo nên một trận chung kết mãn nhãn dành cho khán giả.

Kevin de Bruyne là ngôi sao chơi ổn định nhất của ĐT Bỉ cho đến lúc này

Tiêu biểu nhất cho sự lên ngôi của triết lý phòng ngự phải kể tới Bồ Đào Nha. HLV Fernando Santos chỉ đạo toàn đội luôn đứng dưới vạch giữa sân để che chắn cho khung thành Rui Patricio trước sức công phá mãnh liệt từ Croatia. Ngay cả ngôi sao sáng giá Cristiano Ronaldo cũng thường xuyên có mặt trong vòng cấm… đội nhà để giải nguy.

Hệ quả là người chăm dứt điểm nhất vòng bảng Euro 2016, với tổng cộng 29 lần sút bóng, không có nổi một pha uy hiếp nào cho đến tận phút 117. Đáng chú ý hơn, CR7 thường nhận bóng ở rất xa khung thành Croatia và chủ yếu ở thế quay lưng. Tình trạng đói bóng khủng khiếp khiến Ronaldo liên tục phàn nàn vì không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ.

Bồ Đào Nha sau đó đã may mắn đi tiếp bởi lần tìm thấy nhau duy nhất của tam tấu Nani – Ronaldo – Quaresma. Nếu không có tình huống mang đậm dấu ấn cá nhân này, chưa chắc thầy trò Fernando Santos đã được ca ngợi lên mây như bây giờ.

“Tiêu cực” chẳng kém đại diện Nam Âu là Iceland. Đội quân tới từ băng đảo lọt vào vòng 8 đội bằng triết lý duy nhất (và đơn giản nhất): cố gắng phá bóng ra thật xa nếu có thể.

Bỉ đang là đội tuyển xếp hạng 1 thế giới trên BXH của FIFA

Thật vậy, HLV Lars Lagerback – một người thực dụng có tiếng – không bao giờ chấp nhận những tình huống 5 ăn 5 thua trước vòng cấm. Trước khi nghĩ tới chuyện ghi bàn, ông luôn quán triệt thấu đáo xuống từng học trò rằng hãy cố gắng giữ nguyên mành lưới.

Y lời thầy, “đội quân toàn Sơn” liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng các đội có số lần giải nguy nhiều nhất. Trung bình mỗi trận, Iceland phá bóng ra xa khu vực 16m50 đến 34,8 lần, hơn các đội xếp sau như Slovakia, CH Czech và Thụy Điển gần… 10 lần.

Những người góp công lớn nhất cho Iceland tính đến thời điểm này, thật dễ hiểu, toàn là các hậu vệ. Sigthorsson, Sigurdsson, Arnason chơi bóng đúng với tinh thần của các chiến binh Viking: mạnh mẽ, đơn giản và tối đa hóa độ an toàn.

Cũng không thể quên Italia hay Ba Lan, những đội mới chỉ để lọt lưới 1 bàn tại Euro 2016 và luôn nhập cuộc chặt chẽ hệt như những chiếc nêm. Nếu đất nước hình chiếc ủng có Giorgio Chiellini xoạc bóng giỏi, không chiến tài và rất tích cực chuyền xa, thì “Đại bàng trấng” lại sở hữu bộ đôi trung vệ thép Michal Pazdan - Kamil Glik chạy không biết mệt, chọn vị trí tốt và là nguyên nhân chính khiến ĐT Đức hùng mạnh phải “khóc thét” ở vòng bảng.

Chính nhờ nền tảng phòng ngự vững vàng như vậy mà mỗi khi Italia hoặc Ba Lan có bàn mở tỷ số, các đối thủ tại Euro 2016 gần như không còn cơ hội lật ngược thế cờ. Ngoại lệ duy nhất xuất hiện từ cú ngả bàn đèn của Shaqiri nhưng Thụy Sỹ sau đấy vẫn thất bại trên loạt sút luân lưu.

Có lẽ chỉ có tuyển Đức là đủ sức đá đôi công với Bỉ tại Euro 2016

Bên cạnh 4 đại diện phòng ngự kể trên thì Pháp và xứ Wales cũng không đem lại sự tin tưởng về mặt trận tấn công. Với đội chủ nhà, họ chưa thể dung hòa phong độ thi đấu giữa hai hiệp khi toàn bộ 6 bàn thắng của “Gà trống Gaulois” chỉ đến trong hiệp hai. Trong khi đó, Gareth Bale cùng đồng đội lại thiếu khá nhiều thực lực, đủ để áp chế bất cứ đối thủ nào.

Quanh đi quẩn lại chỉ còn đúng hai đội đủ sức đá đôi công là Bỉ và Đức. Thật may, họ rơi vào hai nhánh khác nhau và hoàn toàn có thể tạo nên một trận chung kết mãn nhãn cho khán giả.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chi-con-dung-hai-doi-du-suc-da-doi-cong-tao-nen-tran-chung-ket-trong-mo-post168490.html