Chỉ dẫn địa lý cho cà-phê Đác Lắc

Với diện tích hơn 200 nghìn héc-ta, cho sản lượng hằng năm gần 450 nghìn tấn cà-phê nhân, Đác Lắc là tỉnh sản xuất cà-phê hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên để nâng cao lợi thế cạnh tranh, cũng như bảo hộ sản phẩm địa phương, Đác Lắc cần quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cà-phê Buôn Ma Thuột" .

Xác định vùng định danh

Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho biết: Chỉ dẫn địa lý "cà-phê Buôn Ma Thuột" được đăng bạ theo Quyết định số 896 QĐ-SHTT ngày 14-10-2005 của Cục Sở hữu trí tuệ và có giá trị bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, vùng địa danh được xác định gồm 107.500 ha cà-phê nằm tại các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Pắk, và TP Buôn Ma Thuột, nơi có những đặc thù của điều kiện tự nhiên thích hợp cho cà-phê sinh trưởng.

Cà-phê nhân mang chỉ dẫn địa lý "Cà-phê Buôn Ma Thuột" là cà-phê vối Robusta, được sản xuất và chế biến theo quy trình sản xuất bền vững, thực hành nông nghiệp tốt, với các đặc trưng mầu sắc xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt; hạt dài 10 đến 11 mm, rộng 6-7 mm, dày 3 đến 4 mm; mang mùi tự nhiên của cà-phê nhân sống, không có mùi lạ khác, khi rang đến độ chín thích hợp có hương thơm đặc trưng. Vị nước cà-phê đắng dịu, nhẹ, không bị khé chát, thể chất trung bình đến cao, ít chua, hàm lượng cafein 2,2 đến 2,4%. Cà-phê nhân lưu thông trên thị trường được phân loại theo TCVN 4193-2013, gồm hạng đặc biệt, hạng 1a và 1b; hạng 2a và 2b.

Đến nay đã có 11 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà-phê nhân nằm trong vùng địa danh được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Cà-phê Buôn Ma Thuột" với diện tích và sản lượng đăng ký tương ứng là 15.300 ha và 47.500 tấn. Các doanh nghiệp chủ động giới thiệu, quảng bá và đưa ra thị trường gần 20 nghìn tấn cà-phê nhân có thương hiệu với giá trị tăng thêm khoảng 2 đến 3%. Mặc dù lượng tiêu thụ chưa nhiều so với sản lượng đăng ký, nhưng đây là những bước khởi đầu rất đáng được ghi nhận, thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với nông dân.

Một số đơn vị như Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đác Lắc, Công ty TNHH Dakmam Việt Nam trong năm 2016 vừa qua đã bước đầu kết nối với các nhà rang xay trong nước tại địa phương, cũng như các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng,.. đã và sẽ sử dụng lô-gô chỉ dẫn địa lý trong thương mại, với số lượng cà-phê nhân đã cung ứng khoảng gần 1.000 tấn. Sự gắn kết giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu cà-phê nhân với các nhà rang xay trong và ngoài nước là bước tiến mới trong việc đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng, mở ra hướng phát triển tích cực chỉ dẫn địa lý ở thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển chỉ dẫn địa lý

Theo kế hoạch, năm 2017 tỉnh Đác Lắc sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý nội bộ và quy chế kiểm soát cho cà-phê chế biến sâu, là cơ sở thực tiễn để mở rộng phạm vi bảo hộ và đẩy mạnh phát triển chỉ dẫn địa lý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh, xây dựng hệ thống quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà-phê Buôn Ma Thuột, với vùng địa danh rộng lớn, liên quan tới rất nhiều loại hình đối tượng sản xuất kinh doanh, và sản phẩm xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế, với những yêu cầu chất lượng rất đa dạng, thường bị chi phối mạnh bởi hoạt động đầu cơ làm biến dạng thị trường và gây nên những biến động rất thất thường về giá. Vì vậy, cần phải có những hình thức tổ chức thích hợp thì việc vận hành hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý mới thật sự có hiệu quả. Từ đó cà-phê có chỉ dẫn địa lý mới có cơ hội lưu thông trên thị trường với số lượng lớn và mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Cần tập trung tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ lại theo hướng mở rộng phạm vi bảo hộ cho cả những dạng cà-phê chế biến sâu, bao gồm mô tả rõ hơn đặc thù sản phẩm, quy định rõ những yêu cầu bắt buộc trong quy trình sản xuất, chế biến, quy trình và cơ quan chứng nhận chất lượng, hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm soát bên ngoài, nhằm bảo đảm đặc thù chất lượng và truy xuất nguồn gốc, cũng như quy định sử dụng lô-gô và hệ thống nhận dạng.

Từng bước mở rộng cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức nông dân sản xuất cà-phê trong vùng định danh gắn với tổ chức lại sản xuất, liên kết các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò then chốt trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là các thị trường quốc tế; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của chi hội các nhà rang xay theo hướng từng thành viên có hệ thống quản lý nội bộ chặt chẽ, đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao với hệ thống nhận dạng thống nhất.

Được biết sau khi ra đời vào tháng 9-2015 đến nay, Chi hội nhà rang xay cà-phê Buôn Ma Thuột đã có 15 dòng sản phẩm cà-phê của 11 nhà rang xay trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đạt tiêu chuẩn chất lượng, đưa ra thị trường với dấu hiệu nhận diện trên bao bì là lô-gô Cà-phê Buôn Ma Thuột. Sự xuất hiện của các sản phẩm theo tiêu chuẩn và được dán nhãn cùng với hệ thống phân phối gắn với kênh tiêu dùng trực tiếp và ngành du lịch là hướng tích cực kích cầu tiêu dùng nội địa.

Nhờ sản phẩm đặc thù có chất lượng, với nguồn gốc xuất xứ được xác định và bảo hộ mang Chỉ dẫn địa lý rõ ràng, cà-phê Buôn Ma Thuột đã từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và đủ điều kiện tham gia đàm phán thương mại để có thể "len chân" vào thị trường cà-phê thế giới, với tốc độ gia tăng từ 4% năm 2005, lên hơn 15% tổng lượng cà-phê xuất khẩu toàn cầu, mang về giá trị xuất khẩu từ 500 đến 600 triệu USD/năm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/33171702-chi-dan-dia-ly-cho-ca-phe-%c3%b0ac-lac.html