Chỉ đạo mới của Thủ tướng về quản lý thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước 15/6, nếu không sẽ bị rút giấy phép.

Tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa chiều 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành thực hiện các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Giải pháp được lãnh đạo Chính phủ nhắc tới gồm: truyền thông phù hợp, tăng thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm, các ngân hàng thương mại đồng hành cùng với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày 16/5. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày 16/5. Ảnh: VGP

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục rà soát Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), sau hơn 1 năm triển khai hóa đơn điện tử, trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, với lĩnh vực gia công vàng, bạc, một số trường hợp cá nhân mua hàng, dịch vụ không lấy hóa đơn, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch.

Tổng cục Thuế cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Ngoài thị trường vàng, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, cần đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất; sử dụng hợp lý các công cụ thị trường, trong đó có việc bơm tiền ra, hút tiền vào phù hợp.

“Không để tỷ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giữ ổn định tương đối về tỷ giá”, Thủ tướng lưu ý.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh: Dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu tăng tín dụng 5 – 6% ngay trong quý II/2024.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu triệt để thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; khẩn trương nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vào hạ tầng chiến lược, nhà ở xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần huy động ngay khoảng 100 nghìn tỷ đồng phục vụ các dự án trung hạn giai đoạn 2021-2025; về lâu dài tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền việc chuẩn bị các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược. Theo Thủ tướng, sở dĩ chúng ta làm được việc này là dựa trên cơ sở nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách thấp hơn quy định, tăng thu ngân sách lớn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/chi-dao-moi-cua-thu-tuong-ve-quan-ly-thi-truong-vang-1099832.html