Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

Ảnh minh họa

Theo Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tại phiên họp, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí: Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 11%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 25,6%, tuy nhiên số đoàn đông người tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Về khiếu nại, cả nước phát sinh 56.762 đơn khiếu nại, trong đó có 22.372 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 10,6% số đơn và giảm 23,7% số vụ việc. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 61,7%, về nhà ở chiếm 11,7% trong tổng số đơn khiếu nại.

Về tố cáo, cả nước phát sinh 15.148 đơn tố cáo, trong đó có 5.157 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 12% số đơn và giảm 33,2% số vụ việc. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 62,7% chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội. Tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4,8%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án. Tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm 5,1%...

Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Số lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương giảm, tuy nhiên tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn ra phức tạp. Các đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết với thái độ gay gắt, bức xúc. Nhiều trường hợp mặc dù đã được Trụ sở tiếp nhiều lần, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng không trở về địa phương để được giải quyết theo quy định của pháp luật, tiếp tục đeo bám khiếu kiện dài ngày tại Hà Nội gây mất an ninh, trật tự.

Tình trạng công dân vi phạm nội quy Trụ sở vẫn còn. Nhiều trường hợp công dân khiếu kiện có hành vi gây rối an ninh trật tự. Một số đoàn đông người và công dân khiếu kiện chây ỳ của một số địa phương tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, trụ sở các cơ quan Trung ương… căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực với các cơ quan Trung ương yêu cầu được giải quyết, gây mất an ninh trật tự.

Trước tình hình, diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự tại Trụ sở, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp, phối hợp bảo vệ an toàn cho cán bộ tiếp công dân và bảo đảm an ninh, trật tự.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay là một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện, hoặc thiếu đồng bộ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chậm, còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi. Công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn những hạn chế nhất định. Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn khá nhiều...

Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong thời gian tới Chính phủ xác định tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở. Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp.

Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tiếp tục phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người, phức tạp.

Coi trọng tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 nội dung sửa Luật Tiếp công dân năm 2013.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/chi-dao-thuc-hien-co-hieu-qua-cac-chi-thi-nghi-quyet-ve-giai-quyet-khieu-nai-to-cao/316726.vgp