Chỉ diệt muỗi trưởng thành mà không diệt loăng quăng thì như 'muối bỏ bể'

Việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ lăng quăng trong các hộ dân.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố đã có gần 15.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 người chết. Tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch liên tục được đẩy mạnh.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã thành lập các Đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết với 62.362 người tham gia, đến hơn 567 nghìn hộ gia đình, kiểm tra gần 1,3 triệu dụng cụ chứa nước, phát hiện 190.649 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Tất cả các dụng cụ chứa nước nhỏ có bọ gậy đã được xử lý bằng cách lật úp, thu gom và thả cá gần 40.000 con cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, bể cây cảnh, hòn non bộ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trực tiếp kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Trước đó, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp cùng đoàn kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai. Khi kiểm tra 3 hộ gia đình tại thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, đoàn kiểm tra phát hiện 2 hộ gia đình có các vật dụng chứa nước có bọ gậy. Trong đó, hộ gia đình chuyên thu gom các loại vật dụng phế thải hàng điện tử có đến 3 - 4 ổ bọ gậy ở trong các loại máy giặt, tủ lạnh, lốp ô tô hỏng..

Nếu chỉ diệt muỗi trưởng thành mà không diệt ở loăng quăng thì như "muối bỏ bể". Ảnh: Khoahoc.tv

Theo các chuyên gia, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ lăng quăng trong các hộ dân. Chỉ còn một ổ loăng quăng trong gia đình, muỗi lại có nguy cơ bùng phát. Bởi một con muỗi cái có thể đẻ đến 200 trứng, đẻ ra 200 loăng quăng, bọ gậy rồi phát triển thành muỗi. Nên nếu chỉ diệt muỗi trưởng thành mà không diệt loăng quăng thì như "muối bỏ bể".

Vì thế, để ngăn chặn được sốt xuất huyết, mỗi gia đình cần chủ động dọn dẹp, không để các vật dụng chứa nước khiến muỗi có môi trường đẻ trứng.

Hiện nay, nhiều phương pháp chống muỗi hiệu quả được các gia đình chủ động thực hiện như trồng cây có tác dụng xua muỗi, phun thuốc... Trong đó, việc sử dụng tinh dầu từ thảo dược để xua muỗi được áp dụng phổ biến.

Nên sử dụng tinh dầu thảo dược để chủ động xua đuổi muỗi. Ảnh: Tinh dầu ba miền

PGS - TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho hay, các loại tinh dầu sả, hương nhu, tràm... có mùi thơm và sát khuẩn nhẹ, có tác dụng xua muỗi hiệu quả. Gia đình có thể pha với nước, sử dụng các máy phun sương nhỏ giúp lan tỏa tinh dầu trong nhà.

Để tăng hiệu quả, người dân cũng có thể dùng máy phun kèm theo thiết bị hẹn giờ để phun tinh dầu vào giờ cao điểm hoạt động của muỗi. Tuy nhiên, nên chọn các tinh dầu có địa chỉ cơ sở sản xuất, nhãn mác rõ ràng, sản phẩm đã được cơ quan chuyên môn xác nhận về chất lượng, an toàn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người cao tuổi.

Dũng Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/neu-chi-diet-muoi-truong-thanh-ma-khong-diet-loang-quang-thi-nhu-muoi-bo-be-d129195.html