Chi hơn 2,6 tỷ đồng đánh giá lại dự án thép 8.000 tỷ đắp chiếu

Thời hạn để nhà thầu định giá lại hiệu quả dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên là 45 ngày.

Nằm trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, đắp chiếu của Bộ Công Thương, dự án mở rộng giai đoạn 2 - Tisco bị đội vốn gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) vừa trúng gói thầu định giá và đánh giá hiệu quả dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Đơn vị này sẽ có 45 ngày để thực hiện việc định giá, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án nghìn tỷ thua lỗ này, với tổng chi phí hơn 2,6 tỷ đồng.

Kế hoạch "giải cứu" dự án đắp chiếu này đã được Bộ Công Thương lên kế hoạch cuối năm 2016. Ngoài VVFC còn có 2 đơn vị khác tham gia gói thầu định giá lại hiệu quả của dự án thua lỗ nghìn tỷ này, song không được chọn do hồ sơ có số điểm về mặt kỹ thuật thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu.

Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên gây chú ý khi “đắp chiếu” nhiều năm vì gặp vướng mắc về vấn đề tài chính. Theo tính toán của Gang thép Thái Nguyên, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với số liệu cũ. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc, dự án này đã tăng vốn từ 3.843 tỷ lên 8.014 tỷ đồng, “đội” lên hơn 2 lần so với ban đầu.

Từ 1/1/2017 bình quân mỗi tháng Tisco phải trả trên 45 tỷ đồng tiền nợ gốc và lãi vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương về dự án này cũng nêu lên một số điểm bất thường liên quan tới tạm ứng, thanh toán cho nhà thầu Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC), như tỷ lệ thanh toán theo quy định của hợp đồng EPC được ký là 95% trong khi hồ sơ dự thầu của MCC chỉ yêu cầu 90%...

Do khó khăn về tài chính, tháng 5/2016 doanh nghiệp này đã có đơn kêu cứu gửi Bộ Công Thương, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng cho tiếp tục được gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn, duy trì sản xuất.

Tháng 4/2017, Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng góp vào Tisco, khiến vốn điều lệ đơn vị này giảm từ 2.840 tỷ đồng xuống còn 1.840 tỷ. Đây là lượng vốn được SCIC góp trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2015 để triển khai giai đoạn 2 dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên, song lại đang được doanh nghiệp gửi tại Vietcombank với lãi suất 5,3-5,5% một năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, Tisco lãi sau thuế 84,34 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt hơn 20,7 tỷ đồng, giảm 14 tỷ so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, riêng ghi nhận tiền lãi cho vay hơn 15,6 tỷ đồng, giảm 14 tỷ so với cùng kỳ - đây cũng là nguồn thu tài chính chủ yếu của Tisco.

Tính đến 30/6/2017 Tisco còn ghi nhận hơn 7.963 tỷ đồng nợ phải trả, giảm gần 400 tỷ so với đầu năm. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn còn 2.463 tỷ đồng (giảm 360 tỷ đồng) và nợ thuê tài chính dài hạn trên 3.347 tỷ đồng (tăng 93 tỷ).

Theo VnExpress

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/chi-hon-26-ty-dong-danh-gia-lai-du-an-thep-8000-ty-dap-chieu-3180700.html