Chỉ những người Cộng sản mới nghĩ đến khai sinh một nước Việt Nam mới

Ông Hồ Chí Minh không bị mất bình tĩnh khi đứng trên sân khấu ở sự kiện lịch sử này, khi mà ông đã tham dự rất nhiều buổi gặp gỡ công chúng và các hội nghị lúc ở hải ngoại. Cách dùng tiếng Việt của ông vẫn còn mạnh mẽ và tự tin, mặc dù ông đã ở nước ngoài 30 năm.

Nhiều người nước ngoài, trong đó có người Mỹ, đã nghiên cứu rất kỹ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản tuyên ngôn độc lập mà Người đã đọc trước hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tạp chí Khám phá xin trân trọng giới thiệu một góc nhìn của tác giả David G.Marr, trích trong cuốn sách Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh do Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell (New York – Mỹ) phát hành năm 1995.

Chính quyền Việt Nam được người Nhật cho phép thiết lập hồi tháng Tư năm 1945 rõ ràng không nghĩ tới chuyện triệu tập một buổi tụ họp quần chúng để ra mắt đất nước. Tuyên bố chính sách đầu tiên của nội các được Thủ tướng Trần Trọng Kim đọc tại một buổi họp nhỏ gồm các thành viên chủ chốt vào ngày 8 tháng Năm.

Mặc dù có khả năng quân Đồng minh sẽ bất thần oanh tạc vào bất kì đám đông nào được cho là thân Nhật, nhưng điều này không ngăn được người bộ trưởng trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết Phan Anh. Ông đã bỏ ba tháng tiếp sau đó để đi từ thị xã này sang thị xã khác để kêu gọi, thúc giục người dân tại các cuộc mít-tinh lớn nhỏ.

Đối với Hoàng đế Bảo Đại, ông dường như không được mời nói chuyện trước công chúng cho đến lúc đọc lời tuyên bố thoái vị đầy cảm xúc trước đám đông ở cổng Ngọ Môn tại Huế vào ngày 30 tháng Tám.

Các đơn vị giải phóng quân duyệt binh ngày 30-8 chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập.

Gần như chắc chắn ông Hồ Chí Minh lấy nguồn cảm hứng chủ yếu cho ngày 2 tháng Chín không phải từ những nguồn tài liệu bản xứ, mà từ các buổi lễ chính trị lộng lẫy và hoành tráng mà ông quan sát được ở Tây Âu và khối Xô-viết. Điều cần thiết hơn hết là phải chọn không gian rộng rãi không bị các chướng ngại vật che khuất tầm nhìn nhằm đủ chỗ chứa cho một lượng lớn khán thính giả.

Quảng trường Puginier, nằm cạnh Phủ Toàn quyền, đã đáp ứng được yêu cầu này, và nó còn có lợi thế là có thể treo ngọn cờ Việt Minh ở cột cờ cao trên đó. Lá cờ này sau đó đã trở thành quốc kì. Sân khấu được làm vội vã từ gỗ và được trang hoàng bằng lớp vải trang trí trắng và đỏ, cho phép hầu hết khán thính giả có thể thấy được những vị lãnh đạo mới của mình.

Buổi diễn thuyết trước công chúng được sắp đặt cẩn trọng để những lời của Hồ Chí Minh có thể đến với không chỉ đám đông nhỏ bé. Người ta cũng lên kế hoạch phát bài nói chuyện của ông Hồ Chí Minh trực tiếp đến cả nước, nhưng điều này gặp phải nhiều vấn đề. Những kĩ thuật viên không thể nối micrô của khán đài diễn thuyết với đường dây điện thoại nối với Đài phát thanh Hà Nội, nơi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quyền kiểm soát của Nhật.

Một máy phát lưu động, trước đây được dùng để liên lạc giữa các khu mỏ của Pháp, được trưng dụng với sự giúp đỡ từ người con trai của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), một nhà báo nổi tiếng, một dịch giả, và là người thấu hiểu các chính sách thuộc địa của Pháp. Tuy vậy vào buổi sáng ngày mồng 2, những rào chắn của Nhật đã ngăn xe chở thiết bị máy phát tới vườn bách thảo.

Đoàn xe của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu tiến vào Quảng trường Ba Đình.

Ông Hồ Chí Minh không mất bình tĩnh khi đứng trên sân khấu ở sự kiện lịch sử này, do ông đã tham dự rất nhiều buổi gặp gỡ công chúng và các hội nghị lúc ở hải ngoại. Cách dùng tiếng Việt của ông vẫn còn mạnh mẽ và tự tin, mặc dù tính đến năm 1941, ông đã ở nước ngoài 30 năm.

Nếu ông có lo ngại điều gì thì đó là việc làm sao thiết lập quan hệ gần gũi với đám đông, vốn là những người không biết gì về thân thế của ông. Dù một số người có thể đã tham dự những buổi mít-tinh quần chúng hợp pháp vào cuối thập niên 1930, hay tham gia những buổi họp trong suốt nhiều tuần trước ngày 2 tháng Chín. Họ có thể biết khi nào nên giữ im lặng, tập trung chú ý và khi nào thì vỗ tay, reo hò hay lặp đi lặp lại những khẩu hiệu một cách hồ hởi. Tuy nhiên vẫn còn có những người khác hoàn toàn lạ lẫm với những hình thức tương tác chính trị kiểu Tây phương thế này.

Có lẽ đây là một trong những lí do tại sao ông Hồ Chí Minh giữ cho bài diễn thuyết của mình được ngắn gọn, và trong chừng mực chúng ta biết được thì ông không cố gắng “kéo” khán giả vào những làn sóng vỗ tay hay reo hò sau mỗi cử chỉ hùng biện.

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/chi-nhung-nguoi-cong-san-moi-nghi-den-khai-sinh-mot-nuoc-viet-nam-moi-c5a566802.html