Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, giá trị xuất khẩu tăng

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 6 tháng đầu năm, chỉ số số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) đạt mức tăng trưởng 6,2%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hải Thắng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng trưởng của toàn Ngành thấp hơn so với cùng kỳ là do ngành khai khoáng sụt giảm và ngành điện tăng thấp. Đáng ghi nhận là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và đặc biệt tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (10,5% so với 10,2%). Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành khai khoáng 6 tháng/2017 giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016.

6 tháng đầu năm tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại có mức tăng trưởng tốt (ảnh nguồn internet)

6 tháng đầu năm tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại có mức tăng trưởng tốt (ảnh nguồn internet)

Ngoài ra, báo cáo của Bộ này cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8%, là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản) và tăng cao qua các tháng. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 60,66 tỷ USD, tăng 28,4%.

Điểm đáng ghi nhận đó là nhập khẩu tăng cao từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao như Hòa Kỳ (24,2%) với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD và tăng thấp ở một số thị trường châu Á như Trung Quốc. Tuy nhiên, nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng đối với một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là sự tăng cao của mặt hàng rau quả, sắt thép phế liệu, xe máy và linh kiện phụ tùng…Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với KNXK). Đóng góp vào thành tích kiểm soát nhập siêu dưới mức mục tiêu.

Với thị trường hàng hóa trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 1.924.124 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các nhóm chính là lương thực, thực phẩm và lưu trú ăn uống có mức tăng cao lần lượt 10,2% và 12%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,4%, đây là mức tăng khá tốt trong thời gian khá dài gần đây (từ năm 2011 đến 2016 thường tăng quanh mức 4,8-7,6%) cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

Sau tháng cuối năm, Bộ Công Thương tập trung tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lớn của nền kinh tế. Theo đó, tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí...

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-giam-gia-tri-xuat-khau-tang-56359.html