Chi thường xuyên sẽ giảm còn 60% vào năm 2020

(HQ Online)- Chiều nay, 13-9, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017.

Toàn cảnh phiên họp.

Phân bổ theo biên chế và dân số

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – đại diện cơ quan soạn thảo, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các bộ, cơ quan Trung ương được xây dựng trên cơ sở biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, với nguyên tắc bao quát được các nhu cầu chi thường xuyên, song phải chặt chẽ, tiết kiệm và phù hợp với quy mô biên chế của các Bộ và cơ quan Trung ương.

Căn cứ mức chi thường xuyên xác định theo định mức phân bổ và biên chế hành chính được cơ quan có thẩm quyền giao; khuyến khích các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện tinh giản biên chế, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm,…

Trong khi đó, đối với các địa phương, định mức phân bổ theo tiêu chí dân số đối với từng lĩnh vực chi cụ thể hoặc theo tiêu chí bổ sung.

Một số tiêu chí bổ sung như tỷ lệ chi hoạt động/chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất tương đối với với 2 lĩnh vực chi giáo dục - đào tạo và dạy nghề, quản lý hành chính; định mức phân bổ đối với đơn vị hành chính đặc thù; định mức thăm hỏi gia đình chính sách; định mức phân bổ chi sự nghiệp kinh tế; định mức phân bổ đối với địa phương khó khăn hoặc có dân số thấp, địa phương có tỷ lệ điều tiết về NSTW; kinh phí thực hiện các chế độ chính sách được xác định theo chế độ quy định;…

Phân tích thêm về hiệu quả của phương án phân bổ nói trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Dự toán chi NSNN năm 2016 dành cho chi đầu tư phát triển là 20% và chi thường xuyên 64,7%. Nếu tính toán theo tiêu chí, định mức nói trên, năm 2017, chi đầu tư phát triển sẽ tăng lên 24,7%, trong khi chi thường xuyên chỉ còn 63,9% (chưa bao gồm cải cách tiền lương).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang hoàn chỉnh Đề án Tái cơ cấu NSNN, đảm bảo an toàn nợ công và Đề án Kế hoạch Tài chính 5 năm. Nếu tính toán tiêu chí, định mức này cộng với việc triển khai các đề án nói trên, năm 2020, chi thường xuyên sẽ giảm xuống còn 58-60% nếu tính theo Luật NSNN trước đây; 60-62% theo Luật NSNN 2015.

“Như vậy, cơ bản đáp ứng được yêu cầu chung là giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển cũng như trả nợ” – Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Không sợ "cản trở"

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn: Việc phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan Trung ương theo định mức biên chế liệu có gây cản trở, dẫn tới tình trạng các cơ quan gia tăng biên chế để xin thêm kinh phí. Điều này đi ngược lại với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay.

Ý kiến này cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu ra trong báo cáo thẩm tra với lập luận rằng mỗi bộ, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ cụ thể gắn với yêu cầu xác định vị trí việc làm và đặc thù khác nhau, vì vậy, quy định các bậc theo số lượng biên chế như dự thảo Nghị quyết là chưa thực sự đổi mới và chưa dự báo được khả năng tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành có kết hợp với quy mô biên chế để xây dựng tiêu chí phân bổ sát với nhu cầu thực tế trong thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết này đã khống chế việc gia tăng biên chế và nếu tăng phải đảm bảo nguyên tắc “giảm 2 tăng 1”.

Xét ở khía cạnh khác, nếu khoán chi cho hành chính thì việc phân bổ theo tiêu chí biên chế sẽ khuyến khích các cơ quan giảm bớt biên chế để tăng thu nhập.

Kết thúc phiên họp, tất cả các thành viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2017.

Nghị quyết này sẽ là căn cứ để Bộ Tài chính xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách cho các Bộ, địa phương, tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao tính minh bạch trong phân bổ, sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-thuong-xuyen-se-giam-con-60-vao-nam-2020.aspx