Chi trả bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh: Cần đẩy nhanh tiến độ

Mặc dù UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ, kê khai thiệt hại, thẩm định, chi trả bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển nhưng việc chi trả diễn ra vẫn còn chậm.

Sau sự cố môi trường, nhiều ngư dân không muốn ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: TQ

Ông Trần Văn Nghĩa, thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà cho biết, theo thống kê, kiểm đếm, phê duyệt, gia đình được bồi thường thiệt hại 200 triệu đồng, thế nhưng, đến nay mới nhận được 60 triệu đồng, số tiền còn lại chưa thấy đâu.

Mặc dù đã được công bố môi trường biển miền Trung an toàn, song người dân vẫn không thiết tha với hải sản biển. Giá hải sản đánh bắt được thời điểm này chỉ bán được bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2016 nên đời sống của người dân rất khó khăn. “Để hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, đề nghị các cơ quan chức năng sớm chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân”, ông Nghĩa kiến nghị.

Ông Bùi Văn Đoàn, xóm Nam Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà cho biết: “Trước đây, 1 kg cá cháo (cá khoai) có giá 200 - 250 nghìn đồng, nay chỉ bán được 40 nghìn đồng; tôm bạc chỉ có 60 nghìn đồng, trong khi trước đó bán với giá 300 nghìn đồng/kg; mực cơm trước đây có giá 250 nghìn đồng/kg, nay còn 80 nghìn đồng”.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh nhà. Theo kết quả kê khai bước đầu toàn tỉnh có 6.983 tầu cá; 2.259ha ao, hồ, bãi triều; 31.692m 2 nuôi lồng bè; 127ha sản xuất muối; 47.960 lao động, trong đó lao động trực tiếp 44.280 người, lao động gián tiếp 3.680 người bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.947,2 tỷ đồng.

Qua quá trình thẩm định, phê duyệt chi trả đợt 1, số liệu kê khai thiệt hại là 1.591,77 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của các đối tượng là lao động không thường xuyên và thu nhập chính theo hướng dẫn tại Văn bản số 9723/BNN-TCTS và hải sản tồn kho theo Thông báo số 373 của Văn phòng Chính phủ).

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ trên 6.240 tấn gạo cho gần 19.250 hộ dân (67.988 khẩu); hỗ trợ cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 900CV trên 5.000 chiếc, tổng số tiền trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ mua 100% phí mua thẻ bảo hiểm y tế với 2.847 thẻ được cấp mới; hỗ trợ 2 năm học phí cho học sinh…

Kết quả chi trả bồi thường đến ngày 2/3/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt được 1.029 tỷ đồng/1.200 tỷ đồng Trung ương cấp ứng; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chi trả được 977,7/1.029 tỷ đồng được phê duyệt.

Như vậy, số tiền đã được phê duyệt và chi trả thực tế cho người dân so với số tiền thẩm định, phê duyệt chi trả đợt 1 theo Văn bản số 465 ngày 23/1/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh mới được 977,7/1.591,77 tỷ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố còn tồn gần 100 tỷ đồng đã được UBND tỉnh cấp chưa chi trả cho người dân, trong đó thị xã Kỳ Anh trên 56 tỷ đồng, huyện Lộc Hà trên 15,4 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, sau khi có chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ, kê khai thiệt hại, thẩm định, chi trả bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại theo đúng Quyết định 1880/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, sau khi chi trả tiền cho các đối tượng được bồi thường đã nảy ra sự so sánh, thắc mắc của một số đối tượng khác không thuộc diện bồi thường, hỗ trợ, nhưng trên thực tế có thiệt hại. Một số đối tượng còn thắc mắc về định mức bồi thường, nên các hộ dân nhiều lần tập trung đông người lên xã, huyện và tỉnh yêu cầu được bồi thường, thậm chí còn có đơn thư khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích rõ cho người dân về các chính sách đền bù, hỗ trợ của Trung ương. Đồng thời, chủ động rà soát, tổng hợp các kiến nghị đề xuất của người dân trình Trung ương xem xét, bổ sung.

UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài chính và Tổng cục Thống kê về việc đề nghị bổ sung đối tượng bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Sau khi Bộ NN&PTNN có báo cáo đề xuất, ngày 9/2/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản hỏa tốc gửi các Bộ: NN&PTNT; Tài chính; Y tế; Công thương và UBND các tỉnh: Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đồng ý với các kiến nghị của Bộ NN&PTNT tại văn bản số 666 và 667/BC-BNN-TCTS. Lãnh đạo Chính phủ giao UBND 4 tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chi trả, khẩn trương giải ngân hết kinh phí tạm cấp đợt I và triển khai ngay chi trả phần kinh phí tạm ứng đợt II theo chỉ đạo tại Công văn 571 ngày 19/1/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Trần Quý

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/chi-tra-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong-bien-tai-ha-tinh-can-day-nhanh-tien-do_t114c1159n115953