Chỉ vì hai… cục đá

Câu chuyện bắt đầu từ hai… cục đá được người dân xã HBông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đào cách đây 3 năm. Nó sẽ chẳng là gì nếu không được giới "vỉa hè" làm giá tới vài trăm triệu đồng và cũng chẳng trở nên ầm ĩ nếu đoàn thu hồi của huyện xử lý hợp tình hợp lý. Cả đoàn ngang nhiên vào nhà dân thu hồi cục đá mà không một lời giải thích, khiến cho hàng ngàn lượt người dân trong vùng phẫn nộ phản đối kịch liệt.

Hai cục đá - hai cấp chính quyền vào cuộc

Nhận được thông tin người dân cung cấp, chúng tôi vượt quãng đường gần 60km về xã HBông, huyện Chư Sê với một chút hoài nghi trong lòng, không hiểu hai cục đá ấy là thứ gì mà tạo nên "điểm nóng" an ninh nông thôn phức tạp đến thế? Ngay trước ngôi nhà ông Lê Hùng Dũng (50 tuổi) ở thôn Ia Sa, nằm bên quốc lộ 25 lúc bấy giờ có khoảng hơn 400 con người tụ tập vây kín, xung quanh là lực lượng Công an trong tư thế "sẵn sàng thi hành nhiệm vụ". Một người đi đường cho biết từ sáng đến giờ, đoạn đường này lúc nào cũng được nêm kín, còi xe inh ỏi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là thái độ làm việc của cơ quan chức năng mà cụ thể là ông Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Chư Sê, cứ liên tục "khua tay múa chân" chỉ đạo cấp dưới bằng mọi giá phải đưa được cục đá về huyện.

Người dân tập trung về xem vụ cưỡng chế hai cục đá tại nhà ông Dũng.

Trong ngôi nhà cấp 4, vợ chồng ông Dũng mặt mày biến sắc vì… chẳng hiểu mình sai ở đâu, thấy nhân viên công quyền tập trung đông quá mà không biết nhờ cậy ai nên cả gia đình thay nhau ôm chặt cánh cửa sắt kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập", quyết giữ bằng được hòn đá còn lại to bằng con bò hai tuổi đang nằm chềnh ềnh trước cửa. Khi biết chúng tôi là nhà báo, cả hai vợ chồng ông Dũng đi theo năn nỉ: "Nhờ các chú nói giúp chứ từ sáng tới giờ, tôi không rõ chuyện gì cả. Gia đình tôi có một lô đất rẫy rộng 7.000m2 trồng tiêu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cách đây 3 năm (2009), nhà tôi xin phép xã đào cái ao để lấy nước tưới cho cây trồng và phát hiện 2 cục đá có màu sắc đẹp nên đem về nhà chơi. Cả thôn, cả xã này ai cũng biết. Từ đó cho tới nay, 2 cục đá vô tri vô giác ấy vẫn nằm chình ình trước sân mà chẳng ai hỏi một lời, kể cả chính quyền các cấp. Đùng một cái, sáng 29-3-2012, vợ chồng tôi thấy mấy ông trên huyện dẫn theo nhiều người ập vào nhà lập văn bản thu hồi. Là người dân làm nông, ít am hiểu về luật pháp, tôi chẳng biết mình sai chỗ nào, nhưng rõ ràng chính quyền hành xử như vậy là không chấp nhận được…".

Mặc cho người dân phản ứng, ông Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện vẫn cương quyết chỉ đạo các lực lượng cưỡng chế thu hồi bằng được cục đá còn lại (cục kia đã được lôi ra khỏi khuôn viên ngôi nhà từ sáng). Cứ thế, một bên là cơ quan công quyền, một bên là những nông dân thật thà chất phác "người đưa qua, kẻ đẩy lại" chẳng ai nhường ai. Ông Chánh Văn phòng UBND huyện tiến hành lập biên bản với nội dung gia đình ông Dũng đã tàng trữ tài nguyên khoáng sản không rõ nguồn gốc và cho rằng, đây là tài sản quốc gia nên phải thu hồi. Ông Dũng không đồng ý vì cho rằng, chính quyền hành xử áp đặt, kể cả việc lập biên bản cũng không công minh khi nói về nguồn gốc xuất xứ của cục đá và lập biên bản xong đọc cho nghe chứ không sao thành hai bản. Sau khi xin ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, biên bản được chỉnh sửa đôi chút về nguồn gốc cục đá, nhưng gia chủ vẫn không đồng tình, bởi họ quá bức xúc trước thái độ lộng quyền, hách dịch của một số cán bộ thực thi nhiệm vụ. Giải quyết vụ việc không thấu đáo, nỗi bức xúc của hàng ngàn người dân có mặt tại hiện trường càng tăng lên. Già trẻ, gái trai tập trung quây kín ngôi nhà, ngồi trên hai cục đá và đồng thanh cho rằng, việc làm của chính quyền địa phương không thấu tình đạt lý… Buổi cưỡng chế không đem lại kết quả mà ngược lại, còn gieo vào lòng người dân những hình ảnh phản cảm của một số cán bộ làm việc quan liêu hách dịch, thiếu tôn trọng nhân dân.

Dư luận không đồng thuận

Tiếp xúc với chúng tôi, hàng trăm người dân tỏ ra vô cùng bức xúc và cho rằng, đoàn làm như vậy là quá áp đặt, ức hiếp dân. Chứng kiến từ đầu đến cuối vụ cưỡng chế, chị Hoàng Thị Kim Chung (29 tuổi), người dân sát vách với gia đình ông Dũng, tỏ ra bất bình khi trò chuyện với chúng tôi: "Chúng tôi không chấp nhận cách hành xử của đoàn. Các ông làm việc mập mơ, không tôn trọng nhân dân. Nếu muốn thu hồi, phải giải thích cho dân hiểu chứ không thể như thế được". Cũng như chị Chung, anh Nguyễn Phi Hùng (37 tuổi); anh Nguyễn Tiến Dũng (33 tuổi), cùng trú tại thôn Kte 2 và rất nhiều người dân chứng kiến sự việc đã bày tỏ với chúng tôi rằng đoàn làm như vậy là sai nguyên tắc, quan liêu, chèn ép dân. Bà con cho biết, nguồn gốc hai cục đá do người dân tìm được trên mảnh đất hợp pháp của mình. Khi khai thác, họ không biết đó là loại đá gì, có qúy hiếm hay không, mà đơn giản là thấy có nét đẹp nên thuê nhân công, máy móc đưa về nhà làm cảnh chứ không buôn bán gì. Cái gì dân chưa hiểu, chưa đồng thuận thì cán bộ phải có trách nhiệm giải thích cặn kẽ, đằng này lại "đùng một cái" xuống để lập biên bản thu giữ. Chúng tôi đồng ý với cách nhìn nhận này, bởi ngay cả cánh phóng viên đang làm nhiệm vụ như chúng tôi cũng phải nhận những câu nói "nhát gừng" thiếu tôn trọng của ông Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện kiểu "Mấy ông là ai? Đến đây có việc gì? Ai mời mấy ông đến?…".

Người dân bất bình, công khai phản ứng gay gắt, còn cán bộ thì sao…? Ngay trong buổi cưỡng chế, một cán bộ xã HBông (đề nghị được giấu tên) đã chủ động tìm đến chúng tôi cho biết: "Chúng tôi là cán bộ cấp xã chỉ biết thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, chứ thật tình, việc cưỡng chế hôm nay là không hợp lý, tạo sự bức xúc cho dân chúng tôi. Các ông trên huyện chỉ biết xuống cưỡng chế thu hồi rồi về, còn chúng tôi ở lại giải quyết hậu quả". Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc có nên thu hồi lúc này hay không và làm như thế liệu đã hợp lý chưa, vị cán bộ này cho rằng: "Tôi dám đứng ra cam đoan, mấy cục đá này của bà con tìm được ngay trên đất rẫy nhà mình đã ba năm nay. Thực chất, bà con mang về để làm cảnh cho vui chứ không buôn bán hay khai thác trái phép". Như vậy, không riêng gì phản ứng của người dân nơi đây, việc điều động lực lượng "hoành tráng" từ trên huyện xuống áp đặt cưỡng chế chỉ để thu lại… hai cục đá đã không nhận được sự đồng thuận của cán bộ cơ sở.

Ông Dũng (người chỉ tay) kịch liệt phản đối việc thu hồi đá của cơ quan chức năng. Ảnh: XH.KN

Được biết, trước đó, vào tối 28-3-2012, các lực lượng chức năng của huyện Chư Sê cũng đã tiến hành thu hồi một cục đá khác của hộ gia đình chị Trần Thị Sắc (42 tuổi), trú cùng thôn Ia Sa khi gia đình này đào ao lấy nước tưới cây hồ tiêu ở khu vườn kế bên vườn nhà ông Dũng. Cũng như gia đình ông Dũng, thấy đá đẹp, chị Sắc thuê máy đào móc lên rồi chở về gửi nhờ ở nhà chị Nhung và bị lực lượng chức năng của huyện xuống thu giữ với lời giải thích chờ đưa đi giám định xem đó là loại đá gì sẽ có hướng giải quyết tiếp theo. Tuy đã chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi, nhưng tiếp xúc với chúng tôi, chị Sắc đã không kiềm chế nổi bức xúc của mình và cho rằng không biết đến bao giờ UBND huyện mới trả lại đá cho chị? Bởi theo chị, để đưa được cục đá này về nhà, gia đình phải bỏ tiền thuê máy móc, phương tiện rất tốn kém. Việc thu hồi là hết sức bất công.

Hai… cục đá được người dân phát hiện ngay trên mảnh đất hợp pháp của mình mang về làm cảnh, chưa biết có phải là loại quý hiếm trong danh mục phải thu hồi hay không, mà đã tổ chức lực lượng đến thu hồi; việc thu hồi, cưỡng chế của cơ quan chức năng lại không đưa ra lời giải thích thấu đáo, với thái độ coi thường người dân, tạo sự bất bình trong dư luận, hoang mang trong các gia đình, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh nông thôn. Việc làm này có nên không?

Thái Kim Nga - Xuân Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chi-vi-hai-cuc-da/