Chỉ xử phạt hành vi đã có trong luật

ICTnews – Các ý kiến góp ý cho rằng không nên có một nghị định riêng để xử phạt báo chí, phải chăng nghị định này là để siết chặt báo chí hơn?...

Ngày 15/10, Ban soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đã tổ chức hội thảo nhằm thống nhất việc sửa đổi cũng như tiếp thu phản hồi của dư luận thời gian qua. Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã chủ trì hội thảo. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, vấn đề được quan tâm đặc biệt và có nhiều phản biện nhất là lĩnh vực báo chí. Các ý kiến góp ý cho rằng không nên có một nghị định riêng để xử phạt báo chí, phải chăng nghị định này là để siết chặt báo chí hơn , xử phạt khi viện dẫn nguồn tin là trái với Luật Báo chí, việc xử lý đối với người bị thu hồi thẻ nhà báo như thế nào… Với các ý kiến băn khoăn này, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định, đây chỉ là một nghị định về xử phạt vi phạm, vì vậy sẽ chỉ phạt những vi phạm mà luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đã quy định. Vì vậy không có chuyện nghị định này sẽ siết chặt quản lý hơn đối với báo chí. Với nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa quản lý và phát triển, các quy định của nghị định sẽ hướng tới việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để báo chí hoạt động tốt hơn. Không chỉ có nhiều ý kiến phản hồi, lĩnh vực báo chí cũng còn khá nhiều điều mà chính Ban soạn thảo còn băn khoăn. Về sử dụng thẻ nhà báo, theo dự thảo lần 6 Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc bằng tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi “sử dụng thẻ nhà báo không đúng nhiệm vụ được giao”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là chưa thực tế vì việc tác nghiệp của nhà báo không thể lúc nào cũng do lãnh đạo giao, hơn nữa, luật cũng cho phép nhà báo sử dụng thẻ trong một số trường hợp khác ngoài phạm vi hành nghề (như thay thế chứng minh thư khi đi máy bay…). Vì vậy, nên chăng sửa thành “lợi dụng thẻ nhà báo để trục lợi” nhằm làm rõ hơn đối tượng cũng như hành vi xử phạt. Với các yêu cầu cần làm định lượng hơn các cụm từ như: “gây ảnh hưởng xấu”, “gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và nhân dân”… khi xử phạt các vi phạm về nội dung, theo đại diện Bộ Tư pháp, về nguyên tắc, xử phạt hành chính là không cần phải tính đến việc có hậu quả xảy ra hay không mà chỉ cần xem xét có vi phạm quy định của pháp luật hay không. Vì vậy, nên bỏ các cụm từ này để tránh cơ quan quản lý bị gây khó khăn trong quá trình thực thi, vì có thể có những hành vi vi phạm nhưng không gây hậu quả hoặc hậu quả không xấu, không nghiêm trọng… Riêng với các cụm từ “thuần phong mỹ tục”, “thiếu thẩm mỹ”, “mê tín, dị đoan”, “phản cảm”… có yêu cầu cần được làm rõ nghĩa hơn, nhưng theo đa số các thành viên Ban soạn thảo, đây là những cụm từ đã được sử dụng trong các văn bản pháp luật khác. Hơn nữa, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, đây là lĩnh vực có nhiều vấn đề rất khó định lượng, chỉ có thể xác định bằng sự nhạy cảm chính trị, hiểu biết xã hội. Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là việc phải trích dẫn nguồn khi đăng phát thông tin, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định, việc quy định này hoàn toàn không trái với Điều 7 của Luật Báo chí về quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó. Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, trong trường hợp cần bảo vệ người cung cấp thông tin, báo chí có quyền ghi “theo nguồn tin riêng của báo” và phải chịu trách nhiệm về nguồn tin đó, nhưng dù là nguồn nào thì nhất thiết vẫn phải dẫn nguồn. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn, làm đậm nét hơn các quy định về xử phạt những đối tượng khác có liên quan để các cơ quan báo chí không cảm thấy đang bị “siết chặt” quản lý hơn và được công bằng hơn trong xử phạt.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/bao-chi-xuat-ban/Chi-xu-phat-hanh-vi-da-co-trong-luat/2009/10/2SVCM7521740/View.htm