'Chia dọc, cắt ngang' dự án án cao tốc Bắc Nam vì không đủ vốn

Sau khi Bộ Tài chính “tuýt còi” đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đang tiến hành điều chỉnh thiết kế, chia nhỏ thành 3 giai đoạn và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào ngày 15.2 tới.

Ảnh minh họa

Đề xuất xây trước 573 km tới năm 2022

Trao đổi với báo Lao Động, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết, ngày 8.2 đơn vị này đã báo cáo với Bộ GTVT các vấn đề kỹ thuật trong nghiên cứu khả thi các dự án đường cao tốc Bắc Nam. Theo đó, thay vì hoàn tất 1.372 km từ nay đến năm 2020 như đề xuất trước đây, đề án mới sẽ kéo dài thêm 5 năm với 3 giai đoạn trong đó giai đoạn đầu từ nay tới năm 2022 sẽ chỉ xây dựng 573 km và tập trung vào một số tuyến trọng điểm.

Cụ thể, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (2017-2022) vào khoảng 88.530 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỉ đồng, chiếm 46,8% và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư (vốn BOT) khoảng 47.116 tỉ đồng.

Trong giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục tận dụng các đoạn cao tốc đang khai thác gồm Pháp Vân-Cao Bồ, TP HCM-Long Thành-Dầu Giây và các đoạn cao tốc đang triển khai thi công gồm La Sơn-Túy Loan, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh đoạn Bùng-Cam Lộ, dự án sẽ mở rộng đoạn Cao Bồ-Mai Sơn quy mô 4 làn xe cao tốc và xây dựng mới đoạn Mai Sơn-Vinh, Vĩnh Hảo-Phan Thiết với quy mô 4 làn xe cao tốc và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây.

Dự kiến đến năm 2022, đường cao tốc Bắc-Nam sẽ khai thác đoạn Pháp Vân-Vinh, Cam Lộ-Quảng Ngãi và Vĩnh Hảo-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 737km, trong đó chiều dài đầu tư xây dựng giai đoạn 1 khoảng 573km.

Trong giai đoạn 2 (2023-2025), đề án sẽ “thông toàn tuyến theo chiều dọc” khi triển khai đầu tư xây 799 km cao tốc với quy mô 4 làn xe cho các đoạn Vinh-Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi-Vĩnh Hảo. Tổng vốn dự kiến cho giai đoạn này là 114.612 tỉ đồng trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 34.340 tỉ đồng (chiếm 30%) và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư khoảng 80.272 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 3, sau năm 2025, đề án sẽ đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam theo hướng tăng thêm làn xe cho phù hợp với quy hoạch được duyệt cũng như nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Cơ chế nào cho siêu đề án này?

Để đẩy tốc độ triển khai đề án được nhận định là cấp bách này, ngày 10.2, Bộ GTVT sẽ tiếp tục họp để hoàn tất các vấn đề liên quan tới cơ chế đầu tư đồng thời lấy ý kiến tham khảo của các bộ ngành liên quan trước khi hoàn tất đề án trình Chính phủ vào ngày 15.2 tới.

Bộ GTVT đang xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án, trong đó có đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết như sử dụng dự phòng ngân sách trong đầu tư công trung hạn hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ứng trước vốn Trái phiếu Chính phủ làm cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai ngay và sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn trả dự phòng ngân sách từ nguồn vốn TPCP. Theo ban PPP của Bộ GTVT, nếu các cơ chế đó được thông qua, dự án giai đoạn 1 có thể khởi công dự án vào khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Với đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, ban PPP đang kiến nghị cơ chế áp dụng hình thức cấp phát khoản vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, chấp thuận bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh tỷ giá và bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ.

Trước đó, trong đề án cũ Bộ GTVT đã trình một số kiến nghị như cơ chế đặc thù trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; các chính sách về giá sử dụng cao tốc, chính sách giải phóng mặt bằng nhưng bị Bộ Tài chính bác bỏ.

Bộ Tài chính từng đánh giá việc huy động nguồn vốn vay là rất khó khi mà khả năng các ngân hàng thương mại trong nước tiếp tục rót tiền cho các dự án BOT ngành giao thông không còn nhiều. Đề xuất gia tăng hạn mức tín dụng cũng như hình thành gói tín dụng riêng cho dự án này của Bộ GTVT cũng được cho là “không phù hợp”.

Ngoài ra, kiến nghị áp dụng mức lợi nhuận trên phần vốn của nhà đầu tư là 14%/năm cho nhà đầu tư nước ngoài mà Bộ Tài chính đánh giá là “không hợp lý” do mức lợi nhuận trên cao hơn nhiều so với tổng chi phí vay của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ hiện tại, cao hơn mức lợi nhuận của nhà đầu tư trong nước và sẽ góp phần đẩy giá sử dụng đường cao tốc lên mức cao trong khi đề án lại chưa đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của việc áp dụng giá sử dụng đường cao tốc tới chi phí lưu thông nói riêng và chi phí sản xuất nói chung của xã hội.

Hiện nay, 4 tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, tổng chiều dài 171km gồm Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đồng thời đang triển khai thi công 299km là La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và Trung Lương - Mỹ Thuận. Đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 470km.

Tuy nhiên, để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (theo quy mô tối thiểu 4 làn xe) cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372km với tổng mức đầu tư 229.829 tỉ đồng và Bộ GTVT đề xuất xé lẻ thành 20 dự án theo hình thức PPP với thời gian thu phí ít hơn 25 năm.

Cụ thể, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (16km), Mai Sơn - quốc lộ 45 (63km), quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50km), Diễn Châu - Bãi Vọt (50km), Bãi Vọt - Hàm Nghi (34km), Hàm Nghi - Vũng Áng (54km), Vũng Áng - Bùng (60km), Bùng -Vạn Ninh (55km), Vạn Ninh - Cam Lộ (71km), Cam Lộ - La Sơn (102km), La Sơn - Túy Loan (66km), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (92km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (78km), Quy Nhơn - Tuy Hòa (100km), Tuy Hòa - Nha Trang (115km), Nha Trang - TP. Phan Rang và Tháp Chàm (80km), thành phố Phan Rang và Tháp Chàm - Bắc Bình (70km), Bắc Bình - Phan Thiết (76km), Phan Thiết - Dầu Giây (98km).

Lâm Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/chia-doc-cat-ngang-du-an-an-cao-toc-bac-nam-vi-khong-du-von-637063.bld