'Chia lửa' với báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam muốn "chia lửa" với báo chí và cùng phối hợp để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bước sang trang mới, để gìn giữ sự tươi đẹp của đất nước”.

Đó là kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tại buổi hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội, sáng 28-4.

Cần cơ chế phối hợp để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đây là hội thảo quan trọng theo gợi ý của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trong việc triển khai một giải báo chí toàn quốc có ý nghĩa chính trị lớn “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, nhằm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng chí Thuận Hữu phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, báo chí - truyền thông có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không chỉ là vấn đề nhận thức, vấn đề lý luận, mà thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh điều đó. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ như nó cần được nhận thức. Và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẻ vang đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó và luật pháp quy định là “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp, để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí.

Đồng chí Thuận Hữu đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mối quan hệ và các nhân tố tác động tới vai trò này. Những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan báo chí, giữa các cơ quan báo chí với nhau, trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế phối hợp (giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, MTTQ Việt Nam, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan đơn vị pháp luật, các bộ ngành liên quan…) để giải quyết, xử lý những vụ việc do báo chí phát hiện…

Theo đồng chí Thuận Hữu, đây cũng là dịp để cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp cho các nhà báo sáng tạo tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí trong năm 2017 do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân muốn lắng nghe ý kiến của nhà báo để hiểu thêm thực tiễn phong phú, sáng tạo của nhà báo trong việc tham gia tích cực phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, cùng góp phần tạo một cơ chế để những phát hiện của báo chí phải được cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, xử lý.

“Chúng ta cùng khái quát thực tiễn đang diễn ra và kiến nghị biện pháp thúc đẩy vai trò báo chí trong sự nghiệp phòng, chống tham nhũng” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.

Tham nhũng, lãng phí và những thách thức với báo chí

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thực tế ở nước ta trong mươi năm trở lại đây cho thấy tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng hoành hành và trơ trẽn với sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Dững chỉ rõ, tham nhũng nổi bật chủ yếu trên ba lĩnh vực, đó là: Tham nhũng đất đai, tham nhũng trong quy hoạch dự án và tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Và để phát huy hiệu quả báo chí trong chống tham nhũng và bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong đấu tranh chống tham nhũng, thì không thể không nói đến vai trò của giới luật sư rất quan trọng trong việc kết nối giữa MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, sợ nhất “chùn tay” - nhà báo Vũ Văn Tiến, Tạp chí Mặt trận cho rằng: “Phanh phui một vụ việc tiêu cực, một vụ tham nhũng có thể dễ, nhưng bài học rút ra từ vụ việc đó thì lại không hề dễ”.

Theo nhà báo Vũ Văn Tiến, bên cạnh việc lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải vào cuộc hưởng ứng, sát cánh với các phóng viên, thì sự phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam, giữa cơ quan báo chí với MTTQ Việt Nam, trên cơ sở chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận đang mang lại những tín hiệu tích cực, gợi mở cơ chế để báo chí phát huy vai trò to lớn hơn trong công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cho rằng vẫn còn những rào cản, trở ngại, nhất là hành lang pháp lý bảo vệ chưa vững chắc nên trong một bộ phận người làm báo vẫn còn tâm lý dè dặt, e ngại khi tiến hành điều tra, viết bài phản ánh về tham nhũng, tiêu cực - nhà báo Phùng Sưởng, báo Tiền Phong đề nghị cần sớm nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn như bổ sung các quy định bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ, tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời. Sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng chỉ có Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin, nguồn tin. Đề nghị cơ quan, tổ chức đơn vị liên quan cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo khi bị hành hung và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Đối với cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức những lớp tập huấn cho các nhà báo chuyên về lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí về các nội dung như quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác này, nâng cao hiểu biết pháp luật trong thực thi nhiệm vụ và đặc biệt nâng cao kỹ năng tác nghiệp bảo đảm tính đúng đắn, tránh những rủi ro cho nhà báo.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhiều nhà báo, nhà khoa học, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí và những người quan tâm đã tham gia thảo luận và trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp; đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc tuyên truyền về hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp, từng bước nâng cao chất lượng tuyên truyền của báo chí hiện nay đối với lĩnh vực này. Đặc biệt công tác giám sát, phản biện của MTTQ trong nhiều vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân quan tâm.

Giám sát được thì sẽ “mở cánh cửa” thông tin minh bạch cho báo chí

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Liên đoàn Luật sư, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp biên soạn một cuốn sổ tay những quy định Nhà nước liên quan đến hoạt động báo chí phòng, chống tham nhũng; trong đó hệ thống hóa lại các quy định của luật pháp. Trong đó, mới nhất là Nghị định số 09/2017/NĐ­CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đang làm việc với các bộ ngành, địa phương giám sát và công khai hóa các kết luận thanh tra. Bước đầu đã làm việc với Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải , UBND tỉnh Ninh Bình, tuần sau làm việc tiếp với các bộ ngành khác nữa. Đây là nguồn mở với báo chí - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo quy định, các bộ, các địa phương, thanh tra phải tổ chức họp để công bố quyết định thanh tra. Cơ quan thanh tra được quyền yêu cầu đăng trên trang điện tử của cơ quan mình. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi có nơi làm tốt công bố của đoàn thanh tra thì không đăng trên bản tin, nơi đăng nhiều bản tin thì không họp để công bố. Vì đăng trên báo mất tiền. Sau khi giám sát công bố kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ giám sát kết quả đấu thầu. Luật đấu thầu quy định kết quả đấu thầu phải được công khai, đây cũng là nguồn để báo chí tiếp cận.

Chúng ta cần giám sát thực hiện quy chế phát ngôn tại thời điểm nhất định trong năm. Nếu giám sát được thì sẽ “mở cánh cửa” thông tin minh bạch cho báo chí. Theo quy định, những sự việc gây quan tâm xã nhiều thì trong vòng 14 tiếng đồng hồ người phát ngôn của cấp chính quyền đó phải lên tiếng phát ngôn.

“MTTQ Việt Nam chia lửa với báo chí và cùng phối hợp để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bước sang trang mới, để gìn giữ sự tươi đẹp của đất nước” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kết luận.

Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Thuận Hữu cho rằng, kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân vừa hiệu quả, vừa sâu sắc, là kết quả của các buổi làm việc giữa Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, với các bộ, ngành, địa phương, là cơ sở để các nhà báo đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng chí Thuận Hữu cho rằng nội dung các tham luận tại hội thảo từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau nhằm làm rõ hơn vai trò của nhà báo trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, cũng như mối quan hệ, nhân tố tác động đến vai trò này. Trong đó, có mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các nhà báo, giữa các nhà báo với các luật sư. Chúng ta thảo luận những vấn đề đặt ra trong hoạt động tác nghiệp của báo chí với đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí như môi trường hành lang pháp lý, sự minh bạch thông tin, vai trò của nhân dân, tính khách quan chân thực, chuyên nghiệp, tính khách quan, nhân văn trong khai thác xử lý thông tin, khó khăn của các nhà báo khi đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong đó, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh khó khăn của các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.

Về đề xuất của các diễn giả về việc các nhà báo phải được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đồng chí Thuận Hữu cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam có Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí mỗi năm đào tạo hơn 100 lớp. Năm 2016, đào tạo 106 lớp với 3.600 hội viên trong đó có các chuyên đề về pháp lý, nghiệp vụ.

Để khắc phục những thách thức, rủi ro của nhà báo khi tác nghiệp, cần phải phối hợp thật tốt giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, MTTQ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Việc lập quỹ hỗ trợ các nhà báo khi gặp rủi ro, theo đồng chí Thuận Hữu, cũng cần được xem xét thấu đáo. Đồng chí nhấn mạnh, cần xem xét lại các hợp đồng bảo trợ thông tin truyền thông của các cơ quan báo chí, vì nó có thể ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cần có chế tài về việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, tổ chức.

Về đề xuất thành lập bộ phận thường trực để xử lý báo chí, đồng chí cho biết, Hội đã thành lập Hội đồng xử lý các vi phạm 10 điều quy định về đạo đức của những người làm báo. Hội đồng bao gồm lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT-TT và các ban nghiệp vụ của Hội Nhà báo, và những đồng chí tổng biên tập các cơ quan báo chí lớn.

Đây là bộ phận để xử lý ngoài luật những sai phạm của báo chí. Quy định hoạt động của Hội đồng này đã có, nhưng theo đồng chí Thuận Hữu, cần phải bổ sung thêm quy định xử lý các cơ quan báo chí về hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32733302-%e2%80%9cchia-lua%e2%80%9d-voi-bao-chi-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung.html