Chia sẻ du khách ở vùng Mê Kông

Campuchia, Lào, Myanmar, VN, Thái Lan (CLMVT) có thể đẩy mạnh hợp tác du lịch để giữ vững ngôi vị thị trường phát triển du lịch nhanh nhất thế giới.

Thái Lan muốn trở thành trung tâm du lịch cho du khách khi đến khu vực Mê Kông Ảnh: Nguyễn Dân

Tờ Bangkok Post mới đây dẫn lời Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul cho rằng một trong những biện pháp chia sẻ nguồn lực du lịch giữa CLMVT là việc được phép lái xe xuyên biên giới giữa các nước này.

Du lịch xuyên quốc gia

8,6 tỉ USD phát triển hạ tầng kết nối

Đông Nam Á là thị trường phát triển du lịch nhanh nhất với 50 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm ngoái, tăng 17% so với năm trước đó. Trong đó, riêng Thái Lan đã hút 30 triệu khách và mong muốn sẽ tăng lên 34 triệu khách vào năm nay. “Thái Lan đã đầu tư hơn 300 tỉ baht (8,6 tỉ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kết nối Thái với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là phát triển hợp tác đường bộ giữa Thái với các nước VN, Campuchia, Lào, Myanmar”, Veerapoon Puangpitayavut, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan khu vực Rayong nói với Thanh Niên.

“Du lịch xuyên quốc gia rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế khu vực. Nó gồm khách từ những thị trường xa (như châu Âu, châu Mỹ...) đến du lịch tại một hoặc nhiều nước thuộc CLMVT; công dân các nước CLMVT du lịch qua lại với nhau và khách du lịch nội địa. Năm ngoái, có 2,7 triệu lượt du khách từ các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và VN) du lịch tại Thái”, ông Kobkarn nói.

Để thúc đẩy du lịch xuyên quốc gia, Bộ trưởng Du lịch và Khách sạn Myanmar U Ohn Maung cho rằng CLMVT phải xúc tiến nhanh việc hợp tác, đặc biệt là chia sẻ biên giới giữa các nước. “Myanmar đã hoàn thành việc “chia sẻ biên giới” với Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan nhưng với Lào thì vẫn chưa.

Tôi hy vọng với sự hợp tác giữa 5 nước, với những chương trình liên kết du lịch xuyên quốc gia, chúng ta càng có thể đẩy mạnh du lịch”, ông nói.

Ngày 6.7, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã bàn bạc kế hoạch hợp tác du lịch này và mong muốn có thể hoàn tất trước cuối năm nay. Ngoài ra, Thái và Lào còn đồng ý mở thêm nhiều cửa khẩu đường bộ giữa hai nước. Theo đó, Thái - Lào sẽ hút du khách bằng việc giới thiệu những gói du lịch “hai đất nước - một điểm đến” với giá ưu đãi đặc biệt. Với gói này, khách du lịch đến Thái còn được tham quan Lào.

Du lịch đã trở thành lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của Lào. Năm 2011, chỉ 2,7 triệu du khách đến Lào nhưng năm ngoái, con số này đã tăng lên 4,3 triệu người. Trong đó, Luang Prabang là điểm du lịch phổ biến nhất, hút đến 80% du khách. Thứ trưởng Thông tin - Văn hóa - Du lịch Lào Savankhone Razmountry cho biết muốn các nước kết nối tốt với nhau thì hạ tầng cơ sở phải vững chắc. “Hạ tầng tốt, du khách sẽ tiết kiệm thời gian khi di chuyển từ nước này sang nước khác. Cụ thể, con đường mới sắp hoàn thành tại Lào sẽ rút ngắn thời gian từ biên giới Thái đến Luang Prabang chỉ còn 3 tiếng so với 1 ngày như trước đây. Lào đang trở thành trung tâm của vùng và luôn mở rộng cửa đường bộ sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi chung”, ông Savankhone nói.

Một visa cho tất cả

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn đã đề xuất một số biện pháp thúc đẩy hợp tác du lịch giữa 5 nước như mở nhiều chiến dịch tiếp thị liên quốc gia để hút khách du lịch vào mùa thấp điểm. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch đến những thành phố cấp 2 và những cộng đồng nhỏ thay vì chỉ nhắm vào các điểm du lịch nổi tiếng. “Chúng ta còn có thể chia sẻ nguồn lợi từ kinh doanh du lịch với các ngành nông nghiệp (vốn là thế mạnh chủ yếu của 5 nước CLMVT) bằng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để có thể giúp nông dân kiếm thêm thu nhập”, bà Kobkarn nói. “Mùa thấp điểm thường là mùa mưa của CLMVT. Thời điểm này, cảnh vật thiên nhiên, cây cối rất xanh tốt. Vì thế, chúng ta có thể khuyến khích những tour khám phá văn hóa, truyền thống các nước thông qua cộng đồng dân cư bằng du lịch xanh”, Bộ trưởng Du lịch và Khách sạn Myanmar U Ohn Maung đề xuất.

Để có thể điều tiết tốt luồng du khách, Thứ trưởng Du lịch Campuchia Tith Chantha cho rằng cần sự kết nối bằng đường bộ mạnh mẽ hơn; bỏ những thủ tục không cần thiết như visa, giảm thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu. “Vấn đề một visa để khách quốc tế có thể đi du lịch qua lại giữa các nước CLMVT đã được bàn rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện”, ông Tith bức xúc.

Lam Yên
(Văn phòng Bangkok)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/chia-se-du-khach-o-vung-me-kong-721017.html