Chia sẻ xúc động: 'Đồng hành cùng con tự kỷ tôi chỉ ngủ 1 tiếng mỗi ngày'

Đó là lời chia sẻ xúc động của chị Thúy, vừa là người đại diện cho Trung tâm can thiệp trẻ em tự kỷ, cũng là đại diện cho phụ huynh có con bị tự kỷ tham gia Hội thảo giới thiệu tài liệu 'Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ' diễn ra ngày 28/3 tại Hà Nội.

Hội thảo là hoạt động nằm trong Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” (Dự án "Chong chóng sắc màu") được ký kết thỏa thuận giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) và Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ và giúp trẻ em tự kỷ nhanh chóng hòa nhập xã hội và phát triển tốt hơn khi có sự thấu hiểu của cộng đồng.

Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đinh Tiến Hải phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Trần Huyền).

Ra mắt "cẩm nang" cầm tay chỉ việc

Theo bà Vũ Thị Thúy Huyền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biến với tỷ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới, đặc biệt từ khoảng những năm 1990 cho đến nay.

Dẫn báo cáo nghiên cứu tổng hợp các thống kê lớn, chủ chốt và toàn diện về tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ trên thế giới và ở Việt Nam bà Huyền, cho biết con số ước lượng tỷ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ trên thế giới khoảng 0,5-1,5%, còn tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam khoảng 0,5-1%.

"Báo cáo từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ người khuyết tật năm 2019 công bố có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỷ lệ trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em", Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thông tin thêm.

Trước thực trạng đó, Dự án với mong muốn cung cấp thêm kiến thức và kỹ năng để cha mẹ có thể thực hành hỗ trợ cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại gia đình, đã xuất bản cuốn tài liệu hình ảnh “Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ”, là cuốn thứ ba trong số bốn cuốn tài liệu hình ảnh được ra mắt độc giả, thuộc bộ tài liệu "Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam".

Đánh giá cao cuốn tài liệu cung cấp những kiến thức cơ bản, dễ hiểu về hành vi phù hợp và không phù hợp, cũng như cách hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ được diễn đạt dưới dạng các tình huống thực tế mà nhóm chuyên gia (tác giả) đã hỗ trợ thành công, mang tính "cầm tay chỉ việc" nên rất khả thi để cha mẹ thực hành hằng ngày.

Đặc biệt, nhiều kiến thức và kỹ năng được hỗ trợ hành vi được minh họa bằng hình ảnh nên rất dễ hiểu đối với cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

Ngoài ra, tài liệu này cũng hữu ích cho giáo viên và những người quan tâm khác.

22 năm về trước, gần như không ai biết tự kỷ là gì

Cuốn sách giúp cha mẹ hiểu đầy đủ về hành vi không phù hợp của con, chuẩn bị tâm lý bình tĩnh khi con có hành vi không phù hợp, quan sát trẻ để tìm được chức năng hành vi, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp dựa trên chức năng của hành vi theo các chiến lược có bằng chứng khoa học.

Tại Hội thảo, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy vừa là người đại diện cho Trung tâm can thiệp trẻ em tự kỷ, vừa đại diện cho phụ huynh có con bị tự kỷ chia sẻ, là một người mẹ có con bị tự kỷ, 22 năm qua thì chỉ có 12 năm nay tôi mới được ngủ 4 giờ đồng hồ một đêm, còn 12 năm về trước tôi chỉ được ngủ 1 ngày một giờ đồng hồ, thậm chí nhiều đêm thức trắng ôm con khóc.

“Cách đây 22 năm về trước, tôi hỏi hàng trăm người thì gần như không ai biết tự kỷ là gì, còn các bố mẹ có con tự kỷ hiện nay may mắn hơn tôi, vì họ được tiếp cận rất nhiều tài liệu để có thể có đủ kiến thức đồng hành cùng con, kiên nhẫn và bình tĩnh với con hơn”, chị Thúy chia sẻ.

Đáp lại những chia sẻ, mong muốn của trên 70 đại biểu là cán bộ, giáo viên của các trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ và phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ tại 12 tỉnh/thành phố tham gia Hội thảo, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Giám đốc Đinh Tiến Hải nói: “Quỹ sẽ tiếp tục quan tâm đến các mong muốn đối với trẻ em tự kỷ qua từng giai đoạn, từng lứa tuổi, tiến tới thực hiện những can thiệp cụ thể, phù hợp”.

Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản:

1. Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam;

2. Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ;

3. Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng;

4. Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức vệ tự kỷ tại Việt Nam.

5. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/chia-se-xuc-dong-dong-hanh-cung-con-tu-ky-toi-chi-ngu-1-tieng-moi-ngay-20240328143655917.htm