Chiếc siêu tăng còn dang dở của Hitler có gì đặc biệt?

Cùng với xe tăng Panzer VIII Maus, trong CTTG 2, Đức còn chế tạo một chiếc xe tăng Panzer E-100 với trọng lượng 155 tấn.

Theo MilitaryFactory, thiết kế xe tăng siêu hạng nặng đã là điều được nước Đức quan tâm trong những năm 1930 với một số mẫu thiết kế xe tăng đa tháp pháo. Đến giai đoạn sau của Thế chiến II, khi họ bị chuyển sang thế phòng ngự bị động, ý tưởng về xe tăng siêu nặng lại được thúc đẩy trở lại.

Chính trong bối cảnh này, những chiếc xe tăng siêu hạng nặng như Panzer VIII Maus và Panzer E-100 đã ra đời. Panzer E-100 hay còn gọi là Tiger Maus. Thiết kế của nó sử dụng hệ thống bánh và xích thông thường được gắn vào một vỏ bọc thép với động cơ ở phía sau xe và tháp pháo ở giữa thân có thể quay 360 độ.

Năm 1943, mẫu thiết kế xe tăng Panzer E-100 là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mẫu thiết kế Panzer VIII Maus. Trong khi Panzer VIII Maus nặng đến 188 tấn thì mẫu E-100 nhẹ hơn, chỉ có 155 tấn, nhưng trọng lượng đó vẫn khiến nó khó khăn để di chuyển trên các địa hình chiến trường châu Âu.

E-100 sử dụng nhiều thành phần đã có sẵn để tăng tốc độ sản xuất cũng như để dễ dàng cho bảo trì và sử dụng. Việc phát triển chiếc xe này được tiến hành trong năm 1943, 1944. Ban đầu động cơ của nó là loại HL230P30 V12 làm mát bằng nước, công suất 700 mã lực.

Động cơ này giống động cơ của xe tăng hạng trung Panther và Tiger II nên nó hoàn toàn không đủ mạnh để đẩy được một khối lượng nặng nề như E-100. Xích lái xe được lắp vào phía trước thân và toàn bộ phần phía trước của xích được che trong giáp để chống lại vũ khí chống tăng.

Toàn bộ kíp lái hoàn chỉnh có 6 người gồm: lái xe, chỉ huy, 2 người nạp đạn, xạ thủ và một xạ thủ súng máy. Xe dài tổng thể 10,27m, rộng 4,48m và cao 3,29 m. Vũ khí gồm một pháo chính 128 mm Pak 44 L/55 hoặc pháo KwK 44 L/38 149mm, hoặc Kwk 44 173mm. Ngoài ra còn pháo phụ 75mm đồng trục và 1 súng máy MG34 cỡ 7,92mm.

Theo Wikipedia, lớp giáp của xe tăng E-100 bố trí khá phức tạp. Ở mặt trước dày từ 150 đến 200mm. Ở hai bên hông và đuôi từ 120 đến 150 mm. Mặt trên xe giáp dày 40mm và mặt dưới xe dày từ 40 đến 80mm. Mặt trước tháp pháo có giáp dày 200mm còn bên hông và sau tháp pháo chỉ dày từ 80 đến 150mm.

Giống như các chương trình thời chiến khác của Đức, xe tăng E-100 rất được kỳ vọng trong hoạt động. Một xe tăng lớn như vậy sẽ có trách nhiệm chiến thuật rất lớn trong phương pháp tiến hành chiến tranh của Thế chiến II, đặc biệt trong giai đoạn cuối khi các trận đánh trên mặt đất là yếu tố quyết định.

Kể từ năm 1944, Hải quân Đức bị hạn chế còn không quân thì bị khống chế, chỉ còn có thể dựa vào sự cuồng tín của lục quân trên mặt đất để cung cấp động lực tối đa trong bất kỳ cuộc tấn công nào và một số lần họ đã thành công.

Nguyên mẫu đầu tiên của E-100 đã không bao giờ được hoàn thành và ngày 22/4/1945 đã bị Tiểu đoàn Pháo binh 751 của lực lượng Mỹ phát hiện trên sàn nhà máy ở Bad Lippspringe, Đức. Tại thời điểm bị thu giữ nó chỉ có khung xe, thân xe và hệ thống bánh xe. Chiếc xe đang dở dang này sau đó được quân đội Anh gỡ ra nghiên cứu rồi sau đó phá bỏ để lấy kim loại.

Nam Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/chiec-sieu-tang-con-dang-do-cua-hitler-co-gi-dac-biet-630272.html