Chiếc xe cấp cứu bị chặn và nỗi đau của người mẹ mất con

Bệnh nhi đang thoi thóp thở trên xe cứu thương chờ được về quê để…chết, người mẹ gào khóc đau đớn bên chiếc xe cấp cứu bị cấm di chuyển… là những hình ảnh xoáy vào tâm can mọi người mấy ngày qua và khiến cho nỗi bức xúc dâng lên tột độ trong dư luận. Vụ việc cần được làm sáng tỏ. Gia đình bệnh nhi đáng được nhận một lời xin lỗi từ phía Bệnh viện Nhi Trung ương và lực lượng bảo vệ của viện này.

Nỗi đau đớn của người mẹ trước sự ra đi của con mình

Nỗi đau của người mẹ mất con

Sáng 8.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Hoàng Thị Soa (SN 1977) ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An (người mẹ của bệnh nhi mất do bệnh tim bẩm sinh trong vụ việc bảo vệ bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu chở bệnh nhi về quê) cho biết hiện gia đình chị đã lo lắng, sắp xếp công việc an táng cho cháu bé xong xuôi. Cháu bé sinh ra nhưng không may mắn như những đứa trẻ khác, nên phải sớm rời bỏ gia đình, người thân. Đây là mất mát rất lớn của gia đình chị Soa.

Nghe những chia sẻ thắt lòng của một người mẹ vừa mất con, mới thấy những hành động cản trở xe cấp cứu đưa em bé xin về để… chết, gây khó dễ và to tiếng quát nạt của lực lượng bảo vệ BV Nhi TƯ là không thể chấp nhận được. Những video clip lan truyền trên mạng xã hội do người nhà của các bệnh nhân khác ghi lại, cung cấp những thông tin khách quan cho người dân.

Nỗi đau mất con vẫn chưa nguôi. Mấy ngày nay, chị Soa bần thần như người mất hồn. Tâm trí lúc nào cũng chỉ nhớ về con. Chỉ khi được hỏi đến vụ việc xảy ra tại BV Nhi TƯ mấy ngày trước, chị Soa mới cởi lòng chia sẻ: "Khi vào thì không có bảo vệ, nhưng khi đưa con lên xe rồi thì bảo vệ đến đông. Bố mẹ của các bệnh nhi khác quay clip rất nhiều, chứ chúng tôi hoàn cảnh, không có điện thoại hiện đại để mà quay. Có cậu bảo vệ còn khinh người, bảo chúng tôi có biết chữ không, đọc lại đi”.

Theo chị Soa, sau khi BV báo tin về tình hình sức khỏe của cháu, dù chưa có ý định đưa con về nhưng chị Soa đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ cung cấp dịch vụ thuê xe chở về quê. Thấy thế, chị Soa hỏi giá thì được thông báo 5.800.000 đồng nếu không có y tá đi cùng, khoảng 7 triệu nếu có y tá đi cùng kèm bình thở. Do gia cảnh khó khăn, kinh tế kiệt quệ vì con ốm nằm viện lâu ngày, số tiền quá lớn nên chị Soa từ chối.

Ngày hôm sau, ý định sẽ đưa con về để trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà nên gia đình chị đã hợp đồng với 1 xe cứu thương ở Nghệ An để có thể đưa con về đến nhà trước 5h chiều cùng ngày. "Chúng tôi thuê xe cấp cứu của Nghệ An, về đến nhà là mất 3 triệu thôi"- chị Soa cho biết.

Theo chị Soa, từ khi gia đình đưa con về quê để an táng và vụ việc chặn xe cấp cứu xảy ra, đến nay đã tròn 1 tuần. Vụ việc đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, gia đình chị Soa không nhận được bất cứ lời xin lỗi, chia sẻ nào từ phía BV Nhi TƯ cũng như công ty bảo vệ đã để xảy ra vụ việc. Chị Soa khóc rồi bảo: "Tôi không cần BV phải xin lỗi hay làm gì hết. Nhưng tôi chỉ mong muốn BV Nhi TƯ hãy xử lý làm sao để những cái người bảo vệ đó phải biết lỗi của mình, để những gia đình khó khăn như chúng tôi không phải gặp phải cảnh như vậy nữa. Con người ta ra xe về để chết, giây phút hấp hối chờ về đến nhà để ra đi, họ làm thế là con của tôi không về được đến nhà đã mất rồi".

Được biết, sau 10 năm kết hôn, chị Soa lần lượt sinh 2 người con. Không may mắn, cháu nhỏ thứ 2 mới sinh ra đã mắc chứng bệnh tim bẩm sinh. Suốt từ lúc sinh ra, vợ chồng chị Soa ôm con đi viện nhiều hơn ở nhà. Hoàn cảnh gia đình chị Soa khó khăn nên mỗi lần đưa con đi khám, anh chị lại vay mượn ngược xuôi mới có đủ tiền. Có những lúc, hai vợ chồng không còn tiền ăn sống nhờ vào những suất cơm, bát cháo từ thiện để cùng con chống chọi với bệnh tật. Thế nhưng, những nỗ lực của anh chị cũng không thể cứu vãn được tình trạng nặng nề của con.

Những chỉ đạo “muộn” từ Bộ Y tế

Sau khi sự việc lan truyền rất nhanh gây bức xúc dư luận. Ngay lập tức, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương xác minh sự việc. Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương bác bỏ thông tin bảo vệ chặn ô tô cứu thương làm ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi. Bệnh viện chỉ thừa nhận trong lúc hai bên trao đổi với nhau đã sử dụng ngôn từ giao tiếp chưa phù hợp. Ngày 5.7, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức cuộc họp với các bên liên quan và đình chỉ công tác kíp bảo vệ liên quan đến sự việc.

Tuy nhiên, sự lên tiếng giải thích của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương không được sự đồng tình của dư luận. Clip thứ 2 phơi bày bản chất vụ việc lại được hé lộ. Sự khóc lóc thảm thiết của người mẹ trước hài nhi bé bỏng nằm gọn lỏn trong xe cấp cứu, đang bóp bóng chờ chết trong đoạn clip khiến nhiều người rơi nước mắt xót xa. Xem xong đoạn clip này, vị lãnh đạo cao nhất của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng không khỏi bức xúc với cách hành xử của lực lượng bảo vệ với người nhà bệnh nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

"Việc bảo vệ nói bệnh viện chỉ cho xe cứu thương đưa bệnh nhân vào, chứ không cho đón bệnh nhân chỉ là lời nói của bảo vệ, không phải quy định của bệnh viện. Không có chuyện bệnh viện không cho xe cứu thương vào đón bệnh nhân", ông Hải khẳng định với báo chí.

Theo ông Hải, sau cuộc họp khẩn giữa các bên, bệnh viện đã ra "tối hậu thư" cho công ty bảo vệ AZ trong vòng 1 tuần, nếu không thay đội ngũ bảo vệ mới và không thay đổi hành vi, cách ứng xử với bệnh nhân và người nhà thì bệnh viện sẽ chấm dứt hợp đồng. Về nghi vấn có hay không xe "dù" được bảo kê lộng hành trong bệnh viện, ông Hải cho biết đã yêu cầu cơ quan công an điều tra làm rõ. Giám đốc bệnh viện Nhi cũng cho biết, hiện bệnh viện chỉ có 3 xe cứu thương, trong khi nhu cầu rất lớn nên hầu hết gia đình tự thỏa thuận, bệnh viện không can thiệp.

Vụ việc xảy ra, như “giọt nước làm tràn ly”. Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Giám đốc các cơ sở KCB khẩn trương rà soát và gỡ bỏ ngay (nếu có) các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về… trong trường hợp không cần trợ giúp y tế.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở KCB phải đào tạo nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ nhân viên bệnh viện, bao gồm cả nhân viên bảo vệ. Quy định rõ trong Hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ điều khoản về giao tiếp ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên bảo vệ có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh ra vào cơ sở KCB.

Thiết nghĩ, những chỉ đạo trên của Bộ Y tế là hết sức cần thiết trước mỗi sự việc xảy ra. Thế nhưng, nếu những yêu cầu gắt gao này của Bộ Y tế được ban hành sớm hơn, có lẽ sự việc đáng tiếc, làm dư luận sôi sục mấy ngày qua đã không phải diễn ra. Người mẹ nghèo cũng sẽ không bị cứa thêm một nhát dao vào trái tim đang tổn thương nữa?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chiec-xe-cap-cuu-bi-chan-va-noi-dau-cua-nguoi-me-mat-con-571169.bld