Chiêm bái tượng Phật cổ xưa độc đáo bậc nhất Việt Nam

Không chí có niên đại hàng trăm năm, những bức tượng Phật cổ này còn mang những nét độc đáo không giống với bất kỳ tượng Phật nào khác ở Việt Nam.

Chùa Bút Tháp (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là nơi lưu giữ một bức tượng Phật cổ được đánh giá là độc nhất vô nhị của Việt Nam. Đó là bức tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn mà dân gian vẫn gọi là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay do nhà điêu khắc Trương Thọ Nam tạc năm 1656 (thời Lê Trung Hưng).

Pho tượng được làm bằng gỗ phủ sơn trên tòa sen với tổng chiều cao (cả phần bệ) là 3,7 mét, tạo hình với hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định.

Xung quanh tượng là 42 cánh tay lớn và 952 cánh tay nhỏ tạo thành nhiều lớp vòng hào quang tỏa sáng. Trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt, tượng trưng cho sự giác ngộ.

Được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng của người Việt, tượng Phật thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp đã được vinh danh với giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.

Có lịch sử lâu đời, chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) sở hữu rất nhiều tượng Phật cổ. Đặc sắc nhất trong đó là bức tượng "Phật ngồi lưng vua" đặt ở góc phải phía sau của chính điện. Đây là một bức tượng Phật giáo độc nhất vô nhị không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.

Bức tượng thể hiện hình ảnh một vị vua quỳ sát đất, lưng là nơi an tọa của một nhà tu hành tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Tổng thể pho tượng Phật ngồi trên lưng vua cao hơn 3m. Thoạt nhìn tưởng như đó là một pho tượng Phật liền khối, song thực tế đây là một bức tượng kép gồm 2 phần được khớp vào nhau một cách khéo léo.

Có nhiều lý giải khác nhau về nguồn gốc của tác phẩm. Theo tư liệu của chùa Hòe Nhai thì vào thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), Phật giáo bị Nho giáo lấn át, vua ban sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, trong đó có thiền sư Tông Diễn. Trước pháp nạn quá nặng nề này, sư đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa vua Lê Hy Tông.

Hòa thượng Tông Diễn đã cải trang, vờ dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý nhưng bên trong là một tờ sớ được viết với mong muốn giúp vua Lê Hy Tông ngộ ra được chân lý của Phật giáo. Cách lý giải có tình, có lý trong tờ sớ làm vua Lê Hy Tông bừng tỉnh và rút lại sắc lệnh đã ban. Để thể hiện lòng thành, vua cho người tạc bức tượng lớn tạo hình vua đang phủ phục dưới đất, cõng trên lưng một vị thiền sư đắc đạo...

Được nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier phát hiện vào năm 1911 tại di chỉ Đồng Dương (xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), tượng Phật Đồng Dương có niên đại vào khoảng thế kỷ 8 - 9, được đánh giá là bức tượng Phật cổ nhất của khu vực Đông Nam Á. Tượng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở TP HCM.

Tượng Phật Đồng Dương được làm bằng chất liệu đồng thau, nặng 120kg với chiều cao 120cm, chỗ rộng nhất 38cm và chỗ dày nhất là 38cm, mang trong tư thế đứng như đang thuyết pháp (chuyển pháp luân). Tượng đặt trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh.

Tạo hình của tượng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế, mềm mại. Đặc biệt, khuôn mặt được thể hiện sống động với những đường nét tả thực mang sự tương đồng với điêu khắc Hy Lạp.

Nguồn gốc chính xác của tượng vẫn chưa được xác định. Có ý kiến cho rằng, tượng Phật Đồng Dương có thể đã được mang về từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Mặt khác, nhiều nhà khảo cổ nghiêng về khả năng tượng do người Chăm xưa làm. Các nhà nghiên cứu đầu ngành cho rằng, tác phẩm này không chỉ là báu vật vô giá của Việt Nam mà còn chiếm giữ vị thế vô cùng quan trọng đối với văn hóa khảo cổ ở Đông Nam Á.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/thien/chiem-bai-tuong-phat-co-xua-doc-dao-bac-nhat-viet-nam-795518.html