Chiếm đoạt hơn 800 triệu bằng 'chiêu' xin việc?

'Không có khả năng xin việc, nhưng Ngô Xuân Phong (SN 1976, trú tại số 10, ngõ Chùa Mật Đa, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn 'nổ' là có thể 'chạy' vào công chức, sau đó chiếm đoạt của tôi hơn 800 triệu đồng', là phản ánh của bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại khu Đông Phát, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gửi đến Báo PLVN.

Thẻ hội viên của Ngô Xuân Phong đã đưa cho bà Tâm để tạo niềm tin.

“Sập bẫy” thẻ hội viên luật gia?

Bà Tâm cho biết: “Qua một người bạn là ông Vũ Trọng Cầu (trú tại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân) giới thiệu, tôi đến gặp Phong tại Văn phòng Luật Tín Việt (địa chỉ số 17 Nguyễn Trinh Tiếp, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa).

Phong tự giới thiệu có quen biết nhiều “quan chức” nên có thể xin việc cho các cháu của tôi là Nguyễn Thị Quỳnh A. (ở TP Thanh Hóa), Lê Đình L. (ở TP Thanh Hóa) và Ngô Thị D. (ở Hoàng Hóa, Thanh Hóa); trong đó 490 triệu đồng để xin cho Quỳnh A. vào làm việc tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, 287 triệu đồng để xin cho D. vào làm tại Đài PTTH Thanh Hóa và 22 triệu đồng để xin cho L. vào làm tại Nhà máy Z111...

“Vì tin tưởng vào mối quan hệ người quen cùng với tấm thẻ hội viên Chi hội luật gia – Đoàn Luật sư tỉnh và lời đường mật của Phong, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2014, Phong đã 11 lần nhận của tôi số tiền 804 triệu đồng”, bà Tâm cho biết.

Chờ mãi không thấy các cháu được đi làm và nhận thấy có dấu hiệu bất thường, bà Tâm đã tới đòi lại tiền, nhưng Phong không trả. Bà Tâm đã yêu cầu Phong tích kê các đợt nhận tiền tại Giấy nhận tiền xin việc viết tay ngày 25/7/2013 với nội dung:

“Cháu là Ngô Xuân Phong xác nhận số tiền 804 triệu đồng trên là đúng. Cháu hẹn cô chiều chủ nhật ngày 27/7/2013, cháu trả trước 100 triệu đồng, số còn lại cháu sẽ trả trong tháng 8 và tháng 9/2013. Cháu cam kết với cô là đúng. Nếu sai cháu xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Sau đó Phong thực hiện việc trả nợ, bà Tâm đã đến nhà Phong tìm nhiều lần nhưng không gặp, gọi điện thì Phong không nghe và nếu có nghe thì lại nói đang ở xa…

Ngày 25/10/2014, bà Tâm làm đơn tố cáo Phong về hành vi “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa và cung cấp toàn bộ giấy viết tay do Phong viết và Thẻ hội viên số 55.00.481 mang tên Ngô Xuân Phong – Chi hội Luật gia Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa mà trước đó Phong đã đưa cho bà để nhận tiền.

Chỉ là… “tranh chấp dân sự”?

Ngày 23/4/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra Thông báo số 312/TB về kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm cho rằng: “Đây là hợp đồng tự nguyện, ngay thẳng, không có sự việc tội phạm”.

Bà Tâm không chấp nhận và tiếp tục có đơn. Ngày 11/11/2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra Văn bản số 1597/TB-PC44, xác định: “Qua một số giấy vay, nhận tiền và 01 bản photocopy giấy nhận tiền do bà Tâm cung cấp cho cơ quan CSĐT, viết ngày 25/7/2014, nội dung tổng số tiền Phong nhận là 804 triệu đồng.

Phong viết, ký tên phía dưới, với nội dung: Phong xác nhận số tiền nói trên là đúng, đến ngày 27/7 trả 100 triệu đồng còn lại sẽ trả trong vòng 2 tháng là tháng 8 và tháng 9. Sau đó bà Tâm tiếp tục cung cấp một bản photocopy “giấy nhận tiền” được viết thêm 2 chữ là “xin việc” thành “Giấy nhận tiền xin việc”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định, tất cả các giấy giao nhận tiền chỉ thể hiện nội dung là vay, nhận tiền chứ không thể hiện nội dung là Phong nhận tiền để xin việc và việc giao nhận tiền chỉ diễn ra giữa Phong và bà Tâm, không có ai chứng kiến…Do đó không đủ căn cứ kết luận Phong lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Tâm: Đây là tranh chấp về tài sản thuộc quan hệ dân sự”.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Bình – Cty Luật TNHH Trung Cường, cho biết: “Phong có nhiều hành động chứng tỏ đã trực tiếp chạy việc cho 3 người trên. Cụ thể, Phong đã luyện âm cho chị D., đưa chị D. vào Đài PTTH thử giọng; gặp ông Bằng – trưởng phòng tổ chức Sở Y tế để nhờ vả; hứa hẹn với bà Tâm qua tin nhắn; đưa L. vào làm việc tại Cty Phong Thủy…đưa D. đi gặp Phong tại khách sạn Dạ Lan Event; bản thân Phong cũng đã điện thoại xin gặp ông Q. (bố D) để khất nợ…Điều này cho thấy việc xem xét Phong chạy việc là có căn cứ.

Ở đây các yếu tố cấu thành tội phạm rất rõ ràng, như: Phong không phải là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xin việc, tạo việc làm cho người khác. Vì thế, hành vi của Phong nhận tiền nhiều lần, gian dối để bị hại tin tưởng giao tiền là hành vi trái pháp luật và có dấu hiệu hình sự. Phong có thể bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS.

Hơn nữa, để tiếp tục lấy được tiền từ bà Tâm, Phong còn dùng cả thủ đoạn “cắm” thẻ hội viên Chi hội luật gia của mình và sổ đỏ ông Châu và bà Nhu. Trong khi bà Tâm (và nhiều người khác) đang tố cáo Phong về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngày 14/4/2016, Phong cũng đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can về hành vi giả danh Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Việt, lừa đảo chiếm đoạt 159 triệu đồng của anh Lê Ngọc Đông và anh Lê Ngọc Dũng” theo Điều 139 BLHS. Ngày 13/5/2016, Phong bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ việc điều tra.

“Như vậy, căn cứ vào Điểm a, Khoản 4, Điều 139 BLHS Phong có thể sẽ bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân với hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên”, Luật sư Bình nhận định.

Phan Mơ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/chiem-doat-hon-800-trieu-bang-chieu-xin-viec-331020.html