Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự

Hỏi: Tôi thanh toán tiền cước dịch vụ thông tin di động của Mobifone qua dịch vụ ngân hàng điện tử. Do sơ suất, tôi nhập nhầm số thuê bao điện thoại, do đó số tiền trên đã bị chuyển thanh toán cho một số điện thoại khác. Tôi đã liên lạc với chủ thuê bao di động mà tôi chuyển tiền nhầm, nhưng người này không đồng ý trả lại.

Đề nghị Quý báo tư vấn, tôi cần làm gì bảo vệ quyền lợi của mình? (Hằng Nga, Tel: 0932.391.398)

Trả lời:

Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 141, như sau:

1- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2- Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như thông tin chị nêu, chủ thuê bao di động nhận được tiền do người khác chuyển nhầm đã có hành vi cố ý không trả lại tài sản cho chủ sở hữu khi họ đã có yêu cầu. Vì vậy, hành vi này có thể cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản, quy định tại Điều 141 BLHS, nếu tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 10 triệu trở lên.

Trường hợp hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác chưa tới mức xử lý hình sự, thì người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP (ngày 12/07/2010, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội), với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm (nếu có) và còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Căn cứ các quy định nêu trên, chị có thể gửi đơn tố giác tới cơ quan công an tại địa phương nơi người có hành vi vi phạm cư trú.

Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động (Mobifone), căn cứ vào quyền được bảo đảm an toàn tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung giao dịch, được cung cấp tài liệu liên quan đến giao dịch và các quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chị có thể yêu cầu đơn vị này hỗ trợ xác minh vụ việc, cung cấp thông tin và hợp tác với cơ quan chức năng để bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

LS Phạm Ngọc Minh
(Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, E-mail: info@youmevietnam.com)

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/chiem-giu-trai-phep-tai-san-cua-nguoi-khac-co-the-bi-xu-ly-hinh-su/66622