Chiến hạm phá băng hạt nhân: 'Tuyệt đỉnh công phu' mới của Nga?

Hải quân Nga mới đây đã đưa ra kế hoạch thiết kế loại tàu tuần tra Bắc Cực có khả năng phá băng sử dụng công nghệ laser để dễ dàng di chuyển ở những vùng nước trong các khu vực trước đây vốn không thể nào tiếp cận được.

Theo Sputnik, trong những năm gần đây, Nga đã mở rộng đáng kể các nỗ lực đảm bảo chủ quyền và an ninh ở Bắc Cực, xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự mới và ký kết hợp đồng thiết kế các loại tàu, căn cứ và công nghệ mới để sử dụng trong vùng có khí hậu khắc nghiệt.

Trong số những lợi thế Nga có được ở Bắc Cực, đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và động cơ diesel là đội tàu phá băng lớn nhất thế giới và vẫn đang tiếp tục mở rộng.

Nga sẽ tiến tới kỷ nguyên tàu phá băng đa năng sử dụng công nghệ laser. Ảnh minh họa.

Nga sẽ tiến tới kỷ nguyên tàu phá băng đa năng sử dụng công nghệ laser. Ảnh minh họa.

Năm ngoái, nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg đã cho ra mắt Arktika (Bắc Cực), tàu kiểu mẫu của loại tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới. Khi được khai thác sử dụng, Arktika sẽ trở thành tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới, vượt qua con tàu Nga khác là 50 Let Pobedy. Arktika dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2019. Nhà máy đóng tàu sẽ sản xuất hai tàu phá băng lớp Arktika khác là Sibir (Siberia) và Ural vào năm 2020 và 2021. Những con tàu này sẽ củng cố đáng kể khả năng đi tàu ở Bắc Cực của Nga.

Tuy nhiên, ngoài các tàu phá băng dân dụng mới, các kỹ sư người Nga cũng đang bận rộn làm việc với một khái niệm khác - "tàu chiến phá băng", một ý tưởng mà nhà báo Dmitri Yurov và là cộng sự của hãng tàu Zvezda nhớ lại "đã bị các chuyên gia nước ngoài coi là một điều ngớ ngẩn".

Theo ông Yurov, các chuyên gia nhận định ý tưởng đó phục vụ cho tương lai xa hơn là một khả năng thực tế của hiện tại. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh chóng ở Bắc Cực đã dẫn đến việc ý tưởng đang dần trở thành hiện thực.

Giữa những năm 2010, Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Almaz ở St Petersburg quyết định phát triển một loại tàu tuần tra đa năng đa năng mới: Dự án 23550 (còn gọi là tàu tuần tra Bắc cực lớp Ivan Papanin). Tháng 4/2017, Nhà máy đóng tàu hải quân St Petersburg nhận được đơn hàng đóng con tàu này và dự kiến sẽ giao lại cho Hải quân Nga vào năm 2020.

Một con tàu lớp Ivan Papanin thứ hai dự kiến sẽ được hạ thủy vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

Mô hình tàu tuần tra phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân dự án 23550 (còn gọi là tàu tuần tra Bắc cực lớp Ivan Papanin).

Tàu đa dụng sẽ hoạt động như một chiếc tàu chiến, một tàu phá băng và là một tàu kéo. Tàu dài 110m, rộng 20m, nặng khoảng 8.500 tấn và đi được quãng đường 6.000 hải lý, tốc độ có thể đạt 16 hải lý/giờ. Tàu lớp Ivan Papanin có khả năng hoạt động tự động trên biển lên đến 60 ngày. Thủy thủy đoàn khoảng 60 người và sức chứa bổ sung là 50 người.

Một nguồn tin hồi đầu năm cho hay, có thể con tàu sẽ được trang bị một hệ thống vũ khí. “Đây không phải là tàu phá băng được trang bị một khẩu pháo Ak-176MA, nó sẽ là một tàu chiến với đầy đủ chức năng được thiết kế phù hợp với yêu cầu của hải quân theo tiêu chuẩn của một chiến hạm lớp Ivan Papanin", nguồn tin cho hay.

Ông Yurov chia sẻ: "Ngoài thiết bị vô tuyến điện và vỏ tàu hạng nặng, tàu khu trục dự án 23550 sẽ bao gồm cả khả năng triển khai vũ khí tên lửa... Các thiết bị phóng của hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK có thể được đặt thoải mái trên tàu, phía sau khu đỗ máy bay trực thăng. Sẽ có khoảng 8 ống phóng có thể được lắp đặt trên tàu".

Tuy nhiên, tiêu diệt kẻ thù không phải là khả năng duy nhất của tàu lớp Ivan Papanin. Theo ông Yurov, “tùy theo nhiệm vụ, các tàu dự án 23550 có thể thay đổi bằng các thiết bị phụ trợ, cho phép chúng giải cứu một chiếc tàu bị mắc kẹt trong băng và kéo nó tới vị trí thích hợp hơn”. Tàu có thể sẽ được đặt 2 chiếc cần cẩu có sứ kéo lên tới 28 tấn mỗi chiếc, hỗ trợ đáng kể hoạt động cứu trợ của tàu.

Nói cách khác, các tàu tuần tra đa năng, đa cấu hình mới cho phép Hải quân Nga đảm bảo an toàn cho lãnh thổ Bắc Cực, tuyến đường biển phía Bắc.

Súng lasers phá băng: Khoa học viễn tưởng hay sự trở lại thực tế?

Tàu Dixon tại cảng.

Các nhà khoa học đang xem xét tìm kiếm phương pháp phá băng mới bên cạnh các biện pháp truyền thống. Theo đó, các nhà khoa học Nga quan tâm đến ý tưởng phá băng bằng các tia laser cực mạnh. Nhà báo Yurov miêu tả: "Một vết rạch trong băng sẽ giúp tàu di chuyển dễ dàng hơn, đẩy nhanh tốc độ của con tàu. Tuy nhiên, theo quan điểm kỹ thuật, rất khó để phát triển và chế tạo một tia laser hoạt động đủ mạnh để cắt các khối băng dày 1,5 - 2m, thậm chí với công nghệ hiện đại ngày nay".

Nhược điểm chính của laser là tìm ra nguồn điện hiệu quả. Bản thân nó, công nghệ laser đã được các nhà khoa học của cả Nga lẫn Mỹ thử nghiệm nhiều lần. Tuy nhiên, các dự án phát triển đều hướng đến hiệu quả vô hiệu thiết bị giám sát chứ không phải để cắt băng trên quy mô công nghiệp.

Nhưng các kỹ sư Nga bước đầu đã tạo ra được các tia laser phục vụ cho mục đích này. Vào cuối năm nay, các nhà khoa học trên tàu Dixon, một tàu đánh cá chạy bằng dầu diesel của Nga hoạt động trên Biển Trắng, sẽ bắt đầu thử nghiệm súng laser có công suất 30 kilowatt. Súng được thiết kế đặc biệt giúp cho các tàu hoạt động dễ dàng hơn trong môi trường Bắc Cực. Dự án bao gồm các chuyên gia đến từ Viện thiết kế Astrofizika có trụ sở tại Moscow, với sự trợ giúp của Viện nghiên cứu Nam Cực St Petersburg.

Các nhà khoa học nói rằng mục đích của tia laser không phải là cắt xuyên qua băng mà để thực hiện những vết cắt chính xác để đảm bảo an toàn tối đa cho sự di chuyển của con tàu. Nếu thử nghiệm thành công, việc lắp đặt laser trên các tàu Bắc Cực sẽ cải thiện đáng kể các đặc tính vượt băng của tàu, cho phép chúng di chuyển trong những khu vực mà những chiếc tàu phá băng thông thường không thể tiếp cận được.

Cuối cùng, Yurov giải thích rằng các nhà khoa học Nga đang tìm cách tạo ra một hệ thống laser lắp trên tàu có công suất 200 kilowatt. Tuy nhiên, việc tạo ra hệ thống laser sẽ không chỉ đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng các nguyên tắc thiết kế, mà còn xem xét việc tiêu thụ năng lượng. Thực tế, ở giai đoạn đầu, chỉ có những tàu năng lượng hạt nhân mới có thể cung cấp nguồn điện cho hệ thống laser công suất 200 kilowatt. Và nước Nga đang rất mong chờ đợt thử nghiệm vào cuối năm nay của tàu Dixon.

Minh Anh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chien-ham-pha-bang-hat-nhan-tuyet-dinh-cong-phu-moi-cua-nga-post232263.info