Chiến lược đột phá vào y tế phường, xã

Một thời gian khá dài ngành y tế cả nước tập trung phát triển mạnh tại khu trung tâm các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Vì vậy mà người bệnh đành vượt đường xa đến để khám chữa bệnh (KCB) dù phải chờ đợi ngày này sang ngày kia. Y tế cơ sở tuyến dưới trở thành “thừa” đúng nghĩa, dù được KCB miễn phí theo quy định nhưng người dân vẫn không tin và không đến. Khi áp lực KCB ở các trung tâm lớn, bệnh viện (BV) lớn trở nên quá lớn đã nảy sinh mâu thuẫn khá sâu sắc giữa ngành y , BV, bác sĩ với người bệnh do vấn đề quá tải.

Gần đây, ngành y đã xoay chuyển chiến lược KCB, đặc biệt là ở TP.HCM, đó là phát triển y tế cơ sở. Các BV tuyến huyện đã được đầu tư toàn diện từ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị… để chia lửa quá tải cho tuyến trên. Họ đã có thể làm được các kỹ thuật cao như thông tim can thiệp, ngoại thần kinh chấn thương chỉnh hình, sản, nhi… Rồi một số BV cũng trở nên quá tải. Bước chuyển biến có thể nói là đột phá nhất của TP có lẽ là biến trạm y tế - nơi vốn được xem chỉ thực hiện “chống dịch” thành một phòng khám đa khoa hoàn chỉnh gần dân.

Mở đầu cho mô hình này là Sở Y tế TP cho phép BV quận Thủ Đức thí điểm mở vệ tinh tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu và Hiệp Bình Chánh. Mục đích là đưa dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngang bằng BV quận đến gần dân, giúp dân ở xa khỏi di chuyển sâu vào trung tâm và đặc biệt là tạo niềm tin cho người bệnh đối với tuyến y tế cơ sở. Dự kiến tháng 4-2017, TP sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng trạm y tế xã hội hóa đầu tiên. Dù vậy, trạm y tế vẫn phải thực hiện các chương trình y tế quốc gia. Mô hình này hứa hẹn sẽ nhân rộng ra cả TP. Cách đây ba ngày, lãnh đạo UBND TP đã làm việc với Sở Y tế và chỉ đạo làm quyết liệt mô hình này .

Ngay từ đầu năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đã yêu cầu Sở Y tế TP và các quận, huyện đánh giá lại các trạm y tế trên toàn TP, lựa chọn một số trạm y tế để đầu tư theo hướng trọng điểm, trọn gói trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu KCB cơ bản. Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh là không đầu tư tràn lan, tránh tình trạng trạm y tế nào cũng có nhưng không có đầy đủ để có thể KCB…

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất các BV trên toàn TP, việc đầu tư cho y tế cơ sở và nâng chất lượng KCB tại đây là rất cần thiết. Việc giảm tải cho BV tuyến trung tâm chỉ còn là vấn đề thời gian. Vấn đề còn lại là các chính sách về thuốc, bảo hiểm y tế và chính sách thu hút đầu tư, đãi ngộ cho nhân viên y tế để họ đủ tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, đó cũng là mục tiêu quan trọng.

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/chien-luoc-dot-pha-vao-y-te-phuong-xa-681527.html