Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ: Bệ phóng cho hoạt động đổi mới sáng tạo

Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2017 được kỳ vọng sẽ tạo đột phá hiệu quả cho hoạt động bảo vệ quyền SHTT.

Nhằm hiểu rõ hơn về vai trò của SHTT, công cụ hữu hiệu để phát triển KH-XH, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT những thông tin liên quan đến Chiến lược quan trọng này.

Đảm bảo môi trường pháp lý bảo vệ cho những thành quả sáng tạo

- Nhằm nâng cao năng lực của lĩnh vực SHTT, Cục SHTT đã đưa ra những giải pháp cụ thể như thế nào trong việc tạo điều kiện phát triển lĩnh vực này vươn lên nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN?

Ông Lê Ngọc Lâm: Đây là thách thức rất lớn đối với Cục SHTT trong điều kiện kinh tế-xã hôịhiện tại của đất nước. Một số giải pháp sau đây được đề xuất:

Rà soát, sửa đổi Luật SHTT để một mặt đáp ứng các nhu cầu phát triển nội tại của đất nước sau 10 năm thi hành, mặt khác nhằm đáp ứng các yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu hài hòa hóa các quy định về SHTT với thế giới.

Đẩy mạnh phát triển các ứng dụng CNTT để tự động hóa các thao tác chuyên môn, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao chất lượng xử lý đơn.

Rà soát, sửa đổi các quy chế thẩm định đơn, qua đó nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thẩm định đơn.

Đẩy mạnh hoạt động đào tạo kiến thức và nghiệp vụ SHCN cho các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp để tăng cường nguồn nhân lực SHTT, góp phần thúc đẩy hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, thương mại hóa tài sản trí tiệ cũng như ứng dụng thông tin SHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các tổ chức.

Tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thực thi để nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, qua đó tạo niềm tin cho hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như hoạt động đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

- Được biết chiến lược Quốc gia về SHTT được xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ cụ thể hóa được những định hướng đã đề cập trong Chiến lược phát triển KH&CN 2011-2020, xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Ông Lê Ngọc Lâm: Một trong những mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển KH&CN 2011-2020 là số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15-20%; số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Nếu các nhà khoa học thay đổi ý thức công bố khoa học từ việc công bố những bài báo sang hình thành và công bố những sáng chế thông qua việc nộp đơn sáng chế tại Cục SHTT thì lượng đơn đăng ký sáng chế chắc chắn sẽ được gia tăng.

Theo đó, việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng thông tin SHCN tại các viện, trường và các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu triển khai, tạo ra nhiều sáng chế để đạt được mục tiêu này.

Cũng theo Chiến lược phát triển KH&CN 2011-2020, nhiệm vụ hình thành một lượng lớn các tổ chức nghiên cứu cơ bản, các doanh nghiệp KHCN, các cơ sở ươm tạo công nghệ cao chắc chắn không thể tách rời khỏi việc khai thác và ứng dụng thông tin SHCN.

Nguồn thông tin, tư liệu SHCN cho phép biết được tình trạng kỹ thuật-công nghệ đã biết trên thế giới, những giải pháp đã được tạo ra nhằm giải quyết những vấn đề kỹ thuật cụ thể, giúp tránh được những nghiên cứu trùng lặp hoặc tận dụng ngay được các giải pháp kỹ thuật phù hợp, do đó góp phần nâng tầm các tổ chức nghiên cứu cơ bản, các doanh nghiệp KHCN, các cơ sở ươm tạo công nghệ.

Trang bị kiến thức về SHTT là vấn đề cốt lõi

- Hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia vào đàm phán ký kết nhiều Hiệp định thương mại quốc tế có nội dung liên quan đến SHTT. Để thúc đẩy quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt là tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam, Cục SHTT sẽ tập trung vào giải pháp cụ thể gì?

Ông Lê Ngọc Lâm: Trang bị kiến thức về SHTT cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là vấn đề cốt lõi. Các nhà nghiên cứu-triển khai cần hiểu rõ rằng các Hiệp định thương mại tự do sẽ cho phép các doanh nghiệp ngoại cạnh tranh sòng phẳng với chúng ta ngay tại sân chơi trong nước. Sản phẩm nào không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Vì thế, sản phẩm trong nước phải không ngừng cải tiến, làm mới về công năng và tính năng sử dụng, về cách thức bao gó, về công nghệ sản xuất cũng như vật liệu mới.

Mặc dù vậy cần lưu ý rằng, TSTT có giá trị ở ngày hôm nay nhưng có thể sẽ bị suy giảm ở ngày mai, thậm chí không còn hấp dẫn nữa khi xuất hiện một giải pháp mới hữu hiệu hơn. Vì vậy, việc tạo ra một TSTT đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường, có sức hút đối với thị trường và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại mới có thể đảm bảo khả năng thương mại hóa của TSTT đó.

Ngoài ra, hoạt động đổi mới sáng tạo phải được duy trì thường xuyên để không ngừng bổ sung yếu tố “chất xám” cho sản phẩm.

Rõ ràng là, các sản phẩm cần được đổi mới thông qua hoạt động sáng tạo. Và SHTT lúc này sẽ phát huy vai trò đảm bảo môi trường pháp lý bảo vệ cho những thành quả sáng tạo được tạo ra, ban thưởng, khích lệ cho các nhà sáng tạo, giúp cho họ thu lợi từ hoạt động sáng tạo. Kết quả là, hoạt động SHTT được thúc đẩy một cách tương hỗ.

- Với sự giúp đỡ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chúng ta đã hình thành được mạng lưới IP-Hub với tổng số 28 thành viên trong toàn quốc, bao gồm một số Viện nghiên cứu, trường đại học, ông có thể cho biết những kết quả hoạt động sơ bộ của mạng lưới này tại Việt Nam?

Ông Lê Ngọc Lâm: Hiện đã có 28 Viện nghiên cứu, trường đại học đồng ý tham gia vào mạng lưới IP-Hub với mục tiêu thành lập được các Trung tâm SHTT để xử lý tại chỗ các vấn đề liên quan đến SHTT.

Cục SHTT đang tích cực phối hợp với các Trung tâm SHTT trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ở các Trung tâm thông qua việc đào tạo trong nước cũng như cử đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.

Công tác hướng dẫn tra cứu, khai thác thông tin SHCN được triển khai mạnh mẽ. Việc lập và khai thác bản đồ công nghệ (Patent map) cũng được giới thiệu để giúp cho các nhà khoa học có được cái nhìn tổng thể về công nghệ hoặc vấn đề kỹ thuật quan tâm.

- Gia tăng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung, sáng chế nói riêng của chủ đơn Việt Nam, đặc biệt là từ các trường đại học, Viện nghiên cứu là một trong những mục tiêu của mạng lưới IP-Hub. Thực tế là hiện nay số lượng đơn từ các đối tượng này chiếm tỷ lệ thấp. Cục SHTT sẽ làm gì để hoàn thiện mục tiêu này?

Ông Lê Ngọc Lâm: Để thực hiện mục tiêu này thì không chỉ có Cục SHTT mà cần có sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cũng như các cá nhân và doanh nghiệp. Cục SHTT sẽ phải tập trung xây dựng một môi trường pháp lý phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đẩy nhanh hoạt động xử lý đơn đăng ký SHCN, hoàn thiện cơ sở địa lý, SHCN và công cụ tra cứu để cung cấp cho cộng đồng, minh bạch hóa thông tin đăng ký, tạo ra nhiều công cụ để hỗ trợ cộng đồng.

Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cần được quy định bắt buộc phải có sáng chế được bảo hộ cũng đảm bảo nguồn tài chính được đầu tư có hiệu quả hơn, sản phẩm sáng tạo ra có khả năng được thương mại hóa cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Liên Cơ

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chien-luoc-phat-trien-so-huu-tri-tue-be-phong-cho-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-c7a542116.html