Chiến thắng của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào

Ngày 19/3, tại tỉnh Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng trong các cuộc trường chinh giữ nước và mở nước - đã diễn ra Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực'.

Thượng Tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Thượng Tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Đường 9-Nam Lào (23/3/1971-23/3/2021). Tham gia hội thảo có các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, đại diện các đơn vị Bộ Quốc phòng, các nhà khoa học, lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu, công tác trên tuyến Đường 9-Nam Lào huyền thoại.

80 tham luận khoa học và các ý kiến bày trực tiếp tại hội thảo đã làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, góp phần làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Một mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiến hành Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 và giành thắng lợi vang dội. Trải qua hơn 50 ngày đêm (30/1/1971-23/3/1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9-Nam Lào đã đánh cho quân đội Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, một trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp; đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác; loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân); bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối; thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh... Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam.

Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 là đòn giáng mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Đây là một thắng lợi điển hình của chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại đội quân tinh nhuệ của Mỹ và Sài Gòn, mở ra điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

“Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.

Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: “Chiến dịch Đường 9-Nam Lào thể hiện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trải qua 3 đợt chiến đấu, với sự phối hợp chiến đấu, phục vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, bộ đội ta luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, bằng sự hiệp đồng nhịp nhàng và chặt chẽ, chiến đấu kiên quyết, chặn đánh, bẻ gãy nhiều mũi tiến công trên các hướng của địch; bao vây, chia cắt, cô lập và tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn, hoàn thành vượt mức yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.

Khẳng định tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Với độ lùi thời gian cùng những kết quả tìm hiểu, nghiên cứu trong mấy thập niên qua, sự kiện Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 ngày càng được nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là tầm vóc, ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời, những kinh nghiệm, bài học đúc rút từ chiến thắng này có giá trị lịch sử và hiện thực, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Các đại biểu chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đặc biệt, chiến thắng Đường 9-Nam Lào là biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào. Từ nửa cuối năm 1970 đến tháng 1/1971, bộ đội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng nhân dân Lào mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí phòng tuyến của địch trên đất Lào, giải phóng một số vùng thuộc phía đông Boloven, Houixai, Muang Phalan, Sesang Soi; đồng thời tổ chức theo dõi nắm chắc tình hình, đẩy mạnh các hoạt động sau lưng địch nhằm phá bước chuẩn bị chiến trường của chúng. Trong thời gian này, các chuyên gia Đoàn 565 đã cùng với Đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam tập trung giúp Quân khu Trung Lào huy động toàn bộ lực lượng Quân khu và tỉnh Savannakhet nhanh chóng triển khai thế trận, bố trí sẵn lực lượng tại các khu vực được phân công theo phương án tác chiến chung, phối hợp với bộ đội Việt Nam tiến công quyết liệt vào các vị trí của địch.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho rằng giá trị của Chiến thắng Đường 9-Nam Lào đã vượt ra ngoài khuôn khổ chiến thắng của một chiến dịch. Sức lan tỏa của nó vượt ra khỏi giới hạn cả về không gian và thời gian, xứng đáng là một trong những bản anh hùng ca của thời đánh Mỹ. Thực tiễn thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào đã khẳng định vai trò của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào, của quân và dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với bộ đội chủ lực, để lại nhiều kinh nghiệm sâu sắc, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam.

50 năm qua, giá trị Chiến thắng Đường 9-Nam Lào năm 1971 vẫn luôn in đậm trong lòng người dân Quảng Trị, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đường 9 năm xưa chiến công lẫy lừng nay đã trở thành hành lang kinh tế nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, với điểm khởi đầu phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển Mỹ Thủy trên đất Quảng Trị, con đường kết nối thúc đẩy sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực, nhất là giữa các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma. Lợi thế về quân sự của tuyến Đường 9 đã sớm được Chính phủ Việt Nam, Lào và các nước tiểu vùng sông Mekong phát huy phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Minh Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/chien-thang-cua-tinh-doan-ket-lien-minh-chien-dau-dac-biet-viet-namlao/426300.vgp