Chiến thắng của ý chí, trí tuệ và tinh thần nhân văn Việt Nam

Ngày 30-4-1975 đánh dấu kết thúc thắng lợi hào hùng của ý chí độc lập tự do, của tinh thần dân tộc thống nhất không thể chia cắt của nhân dân Việt Nam. Đó cũng là chiến thắng của trí tuệ và văn hóa Việt Nam.

Bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long.

1. Ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam có mạch nguồn mạnh mẽ từ lịch sử. Dù cho có một vài giai đoạn đất nước tạm thời bị phân ly, chia cắt song xu thế thống nhất vẫn chi phối dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thời phong kiến, các thế lực cát cứ dù có chia rẽ xung đột với nhau vẫn lấy danh nghĩa tìm đến sự thống nhất để tạo tính “chính danh” cho mình. Thời hiện đại, dù ngụy trang dưới màu sơn chính trị nào, với chiêu bài gì, những âm mưu và hành động chia cắt đất nước cuối cùng đều thất bại.

Chặng đường 21 năm đấu tranh thống nhất đất nước giữa thế kỷ 20 của nhân dân Việt Nam là một trong những thử thách lịch sử lớn nhất, ác liệt nhất, nhiều hy sinh nhất. Ngày 20-7-1954, Hiệp định về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký tại Genève (Thụy Sĩ). Việt Nam tạm thời bị chia thành hai khu vực bắc và nam vĩ tuyến 17 để hai bên tập kết lực lượng của mình; sau hai năm kể từ ngày Hiệp định được ký sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, thống nhất hai miền. Tuy nhiên, bản Hiệp định này đã bị xé bỏ đơn phương. Cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền đất nước trong hòa bình đã không trở thành hiện thực do những hành động phá hoại hiếu chiến, trắng trợn và tàn bạo của Mỹ - Diệm.

Những cố gắng tiếp tục dấn sâu vào cuộc chiến Việt Nam dẫn đến Sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5-8-1964, tạo cớ để Mỹ phát động chiến tranh bằng không quân, hải quân với miền bắc Việt Nam (từ tháng 8-1964) và đưa quân Mỹ tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền nam Việt Nam (từ tháng 3-1965). Nhưng dù “leo thang chiến tranh” ngày càng khốc liệt bằng ưu thế bom đạn, Mỹ đã không thể thắng, buộc phải “xuống thang” và rồi phải rút hết quân Mỹ về nước sau Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973.

Vượt qua mọi toan tính chiến lược, mọi thủ đoạn sách lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, xu thế chiến thắng Giải phóng miền nam - Thống nhất đất nước của quân và dân cả hai miền nam - bắc Việt Nam là tất yếu trong sự suy yếu cả thế và lực của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tay sai trên cả chính trường và chiến trường. Những cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, dù có cản trở vẫn không đảo ngược được dòng chảy lịch sử, không thắng được ý chí của cả một dân tộc.

Mốc lịch sử ngày 30-4-1975 đánh dấu thắng lợi của ý chí độc lập tự do, của tinh thần dân tộc thống nhất không thể chia cắt của nhân dân Việt Nam.Đó là dấu khép lại của một thời khói lửa chiến tranh và mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam - giai đoạn hòa bình, thống nhất, xây dựng đất nước.

2. Tháng 7-1966, khi bom Mỹ đang tàn phá, gây nhiều đau thương trên miền bắc, từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí, quyết tâm, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam và cũng là điều ngưỡng vọng của tất cả các dân tộc tóm tắt trong một dòng nổi tiếng: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Nhân dân Việt Nam chấp nhận đối đầu với chiến tranh hung tàn của một thế lực hùng mạnh để bảo vệ phẩm giá dân tộc và những giá trị cao đẹp trong lương tri loài người.

Với ý chí bất khuất kiên cường, yêu độc lập tự do, chúng ta dám đánh, quyết đánh và đã tìm ra những cách sáng tạo để chiến thắng quân thù, chúng ta đã biết đánhbiết thắng. Quân Mỹ với những phương tiện vũ khí hiện đại, với đủ các chiến thuật đã sa lầy và liên tiếp chịu thất bại trên chiến trường trước cách đánh thông minh, biến hóa, tận dụng tối đa mọi lợi thế bản địa quen thuộc của đối phương.

Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam được phát huy mạnh mẽ trong điều kiện chiến trường Việt Nam đã đánh thắng ưu thế về binh lực, hỏa lực cùng các chiến thuật chiến tranh hiện đại của Mỹ. Để có chiến thắng đó chúng ta có sức mạnh của nền văn hóa mang bản sắc Việt Nam chống lại kỹ thuật chiến tranh hiện đại và cả những âm mưu về văn hóa. Sức mạnh văn hóa tiềm tàng đã giúp cho dân tộc Việt Nam đứng vững khẳng định mình không bị đồng hóa sau gần một nghìn năm bắc thuộc.

Trong thế kỷ 20, bản lĩnh văn hóa của dân tộc khi hấp thụ thêm những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã được cộng thêm sức mạnh của mình. Sang thế kỷ 21, sức mạnh đó vẫn đang được phát huy. Hôm nay, văn hóa được xác định là nguồn nội lực mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, được khẳng định vừa là động lực vừa là mục tiêu trong những chặng đường chấn hưng đất nước tiếp theo.

3. Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam những năm xưa đã tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn của thế giới tiến bộ. Đã hình thành mặt trận rộng rãi của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ cũng bởi vì cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng của lương tâm nhân loại.

Nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến chống chế độ cai trị thực dân của những kẻ hiếu chiến Pháp muốn áp đặt lên cả xứ Đông Dương nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp. Nhân dân Việt Nam trên cả hai miền nam, bắc kiên cường bất khuất đánh bại các bước “leo thang chiến tranh” của quân xâm lược Mỹ nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hóa - cách mạng Mỹ.

Những điều nhân văn đó hội tụ, tập trung thể hiện ở người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Tên Người đã trở thành tên của thời đại - Thời đại Hồ Chí Minh. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trong và ngoài nước khẳng định.

Tác giả Petghidapner viết trên tờ Diễn đàn (Mỹ): “Cụ Hồ Chí Minh là một người yêu mến văn hóa Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ khi Mỹ phá hoại đất nước của Cụ" (1).

Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi, mà cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng" (2).

4. Chiến tranh đã qua đi, nhân dân Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…” như lời Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mục tiêu trước kia của cách mạng Việt Nam đã được Người nêu lên ngắn gọn trong sáu chữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, ngày nay được cụ thể hóa thêm: Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dân Việt Nam vẫn bền bỉ đi trên con đường đó.

Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã và đang được tiếp tục tiến hành là kết quả trí tuệ của những vật lộn, tìm tòi để vượt qua biết bao khó khăn từ chiến tranh để lại. Chặng đường đó cũng đã trải qua hơn 30 năm. Một lần nữa nhân dân Việt Nam - bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình - lại chiến thắng.

Kinh tế - xã hội Việt Nam đã từng bước chuyển mình từ một nền “kinh tế thời chiến” nặng tính chỉ huy, bao cấp, giáo điều và duy ý chí sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống con người đã và vẫn đang được đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ và đã hiện hữu qua những thành tựu. Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân được định hướng xây dựng và hoàn thiện. Dân chủ và công khai được mở rộng và dần được thể chế hóa. Những chương trình xã hội lớn: xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc những người có công... được xúc tiến mạnh mẽ.

Tuy vậy, nhìn ra thế giới, trong những diễn biến nhanh, bất ổn và khó dự báo của địa - chính trị, địa - kinh tế trên phạm vi cả toàn cầu và khu vực, Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của những biến cố và những vòng xoáy do những biến cố gây ra. Việt Nam không thể thụ động mà cần phải chủ động ứng phó với những biến động từng ngày, thậm chí từng giờ. Cần phải linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” để đạt được mục tiêu đưa đất nước phát triển tiến lên.

Trí tuệ và bản lĩnh văn hóa cần được nhấn mạnh để “ứng vạn biến”, để bảo đảm đạt được “cái bất biến” đã được khẳng định là Độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

(1) Dẫn lại từ cuốn Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất - Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr. 123.

(2) David Halberstam - Hồ - Random house, Newyork, 1970 - Dẫn lại từ cuốn Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất - Sđd, tr. 123.

NGÔ VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32744902-chien-thang-cua-y-chi-tri-tue-va-tinh-than-nhan-van-viet-nam.html