Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đánh thức sức mạnh Lục địa Đen

'Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện truyền cảm hứng tích cực, đã làm thức tỉnh và khơi dậy, mở màn cho các phong trào giải phóng dân tộc và các cuộc kháng chiến tại nhiều nước Châu Phi...'.

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ, mang mật danh Trần Đình mở màn. Quân Pháp không ngờ đòn sấm sét của Việt Minh mạnh hơn họ nghĩ nhiều lần. Pháo binh Pháp không thể phản pháo vì khắp nơi là các trận địa pháo giả. Máy bay bị lưới lửa cao xạ bao vây. Cầu hàng không đứt gãy. Các cứ điểm lần lượt bị chia cắt và thất thủ.

Nắng thiêu đốt, rồi mưa, nhấn chìm lính Pháp trong bùn lầy. Giao thông hào chằng chịt như chiếc thòng lọng chậm rãi thít cổ Trung tâm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Là người vô cùng dày công và có kiến thức uyên thâm khi nghiên cứu về Điện Biên Phủ, Giáo sư Abdallah Saab - Đại học Bách khoa Mohamed VI, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Morocco cho biết, trước đó, Việt Nam đã có chiến tranh du kích với các nguyên tắc của cách đánh du kích, nhưng trong một số trận đánh của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tướng Giáp đã cho thấy tài năng quân sự và sự sáng suốt của ông. Tướng Giáp đã tập trung được lực lượng thành sức mạnh với tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, với các kỹ thuật chiến đấu du kích để chiến đấu với quân đội Pháp, một đội quân kinh điển.

"Tướng Giáp đã tổ chức được một chiến dịch bao vây, thắt chặt quân Pháp. Mãi sau này người Pháp mới nhận ra rằng họ đã tự mắc bẫy chính mình", Giáo sư Abdallah Saab cho biết.

Lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Chiều 7/5/1954, ngay sau khi lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay ngạo nghễ, báo hiệu chiến thắng của Nhân dân Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ, thì hàng triệu lá cờ khác cũng tung bay trên khắp các châu lục. Nhân dân các nước mừng vui xiết bao vì chiến thắng của Việt Nam và thất bại của quân Pháp.

Điện Biên Phủ không chỉ là vết thương chảy máu ngoài da mà còn thấm sâu vào nội tạng Chính phủ Pháp. Phần đắng chát nhất của thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ, đó là: ngày 21/7/1954, Pháp buộc phải ký vào Hiệp định Geneve, công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia, khôi phục hòa bình, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Theo ông El Ktiri - Chủ tịch Cao ủy những Người kháng chiến và Cựu chiến binh Morocco, Chủ tịch Hội Hữu nghị Morocco - Việt Nam, sau sự kiện Điện Biên Phủ ở Việt Nam, các quốc gia châu Phi như bừng tỉnh, Điện Biên Phủ là câu trả lời cho các dân tộc thuộc địa, rằng thực dân Pháp có thể bị đánh bại, dân tộc thuộc địa có thể chiến thắng.

"Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện truyền cảm hứng tích cực, đã làm thức tỉnh và khơi dậy, mở màn cho các phong trào giải phóng dân tộc và các cuộc kháng chiến tại nhiều nước Châu Phi...", ông El Ktiri cho biết.

Theo ông Noureddine Djoudi - Chủ tịch Hội những người bạn quốc tế của cách mạng Algeria, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đảo lộn cán cân toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, các khái niệm chiến thắng, sức mạnh, chủ quyền ...đã trở thành của Châu Á, nhờ vào Việt Nam.

Đúng như lời tiên đoán của Tướng De Lattre de Tassigny, chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương năm 1951: “Nếu để mất Đông Dương, tất sẽ nhanh chóng kéo theo một cuộc vùng dậy ở Bắc Phi…”.

Tiếng sấm Điện Biên Phủ báo hiệu một cơn mưa lớn mang dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc sẽ đổ xuống miền sa mạc Châu Phi. Sức mạnh của Lục địa đen được đánh thức. Những chiến binh sa mạc kiên quyết tiêu diệt bọn thực dân...

Lính Pháp đầu hàng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN

Cách mạng Việt Nam đã tạo ra cơn địa chấn làm rung chuyển phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước ở Lục địa Đen. Phản ứng nổ dây chuyền đầu tiên của “mồi thuốc dẫn Điện Biên Phủ” đã diễn ra ở Algieria.

Ông Abdelhamid Zekiri - Nhà nghiên cứu lịch sử tại tỉnh Biskra, Algieria kể lại, trước đó, trong buổi trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiến sĩ Ahmed Shrif Saden trước chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, nhân dân Algeria chưa nên nóng vội phát động cuộc chiến tranh vũ trang bởi vì Algeria chỉ cách Pháp có 2 giờ bay trong khi đó Việt Nam ở rất xa Pháp. Nếu phát động chiến tranh vũ trang sớm, Algeria có thể bị đàn áp nhanh chóng. Vì vậy, Algieria có thể phải đợi khi Việt Nam đánh bại được thực dân Pháp thì Algeria sẽ có vị thế tốt hơn để làm cách mạng. Và đúng là điều đó đã xảy ra.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra thời cơ ngàn vàng cho các nước châu Phi; và họ đã biết chớp lấy cơ hội đó. Ông Noureddine Djoudi - Chủ tịch Hội những người bạn quốc tế của cách mạng Algeria khẳng định, cũng như Việt Nam, Algeria đã nhìn thấy sức mạnh của thắng lợi, trước hết là sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân.

Trong khi Pháp dốc sức xây dựng tập đoàn Điện Biên Phủ thành cứ điểm mạnh nhất Đông Dương có đầy đủ các phương tiện chiến đấu hiện đại như xe tăng, máy bay thì quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có những phương tiện thô sơ. Chính nhân dân đã mang lại nguồn lực khổng lồ về vật chất và tinh thần cho những người trực tiếp cầm súng.

Ông Noureddine Djoudi khẳng định, sức mạnh của nhân dân, dưới sự dẫn dắt của những bộ óc quân sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên tất cả.

"Từ cách làm của Việt Nam, chúng tôi đã biết cách giải quyết khó khăn của mình. Đó là tập hợp kêu gọi sức mạnh toàn dân, kết hợp với sức mạnh chính trị, với sức mạnh quân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những gì diễn ra ở Việt Nam cũng đã diễn ra ở Algeria. Kháng chiến bùng nổ ở Algeria và đó là cuộc kháng chiến của nhân dân, không phải là cuộc chiến của một quân đội chống lại một quân đội khác như các cuộc chiến tranh thông thường, và cũng như Việt Nam, đó chính xác là một cuộc chiến tranh cách mạng", ông Noureddine Djoudi cho biết.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chỉ ra một chân lý: Không tiến hành đấu tranh vũ trang thắng lợi thì không thể giải phóng dân tộc. Từ bài học ấy, nhân dân các nước thuộc địa đã được đánh thức ý chí và sức mạnh.

Theo Giáo sư sử học Daho Djerbal - Đại học Algiers-Bouzareáh, Tổng Biên tập Tạp chí Phê bình Xã hội Algeria, cách mạng Algieria đã sớm nhìn ra con đường giải phóng của mình.

"Ngay sau chiến thắng Điện Biện Phủ, các nhà chính trị và lãnh đạo cách mạng Algeria hiểu rằng, chỉ có làm theo cách làm của Việt Nam mới có thể giành được độc lập, đó là đấu tranh vũ trang, bởi vì Pháp sẽ không bao giờ chấp nhận rời khỏi Algeria qua đàm phán hòa bình", GS Daho Djerbal cho biết.

Chỉ hơn một tháng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, ngày 24/6/1954, 6 thành viên sáng lập Ủy ban Cách mạng Đoàn kết và Hành động của Algeria đã bí mật tập hợp. Trong cuộc họp đó, chủ trương kiên quyết tiến hành khởi nghĩa vũ trang đến cùng để giành độc lập đã được xác định.

Các tiểu đoàn mang tên Điện Biên Phủ, chiến dịch Võ Nguyên Giáp, các đơn vị Hồ Chí Minh hoặc Chiến dịch Việt Nam được thành lập. Trong hàng ngũ lính mà Pháp đưa sang Việt Nam phần lớn là người Châu Phi, trong đó có lính Algeria.

Trong số lính Algeria, có người trở thành hàng binh hoặc có những người giác ngộ, tiếp thu được tư tưởng của Việt Nam, đồng thời lại có những người được Việt Nam huấn luyện về mặt chiến lược, chiến thuật và khi trở về nước, họ lại trở thành các cấp chỉ huy.

Theo ông Mourad Lamoudi - Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách quan hệ đối ngoại, Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria, những người lính ấy vận dụng học thuyết của Việt Nam là lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu đánh mạnh, sử dụng chiến tranh du kích.

Mỗi khi xung phong hay đánh giáp lá cà với quân địch, các chiến sĩ vùng Aures hô vang "Dienbienfuer!", như là lệnh xung phong, là xông lên, tiến công... Cũng có nghĩa là "chúng tôi là những chiến binh kiên cường". Họ đã thay đổi ngôn ngữ của mình, hô vang "Dienbienfuer" để thêm sức mạnh chiến đấu...

Động từ cách mạng "Điện Biên Phủ" cũng mang thêm một có ý nghĩa nữa, đó là kết nối các dân tộc bị áp bức cùng đứng dậy đấu tranh. Cuối tháng 4/1955, lãnh đạo 29 quốc gia Châu Á và Châu Phi đã gặp nhau tại Hội nghị Á - Phi lần đầu tiên, tại Bangdung, Indonesia. Phái đoàn Việt Nam xuất hiện tại đây và được tôn vinh như những người anh hùng. Điện Biên Phủ đã trở thành một tên gọi chung của những trận chiến thay đổi cục diện, có tính quyết định, mở ra bước ngoặt sống còn của các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20…

Bắt đầu từ ngày 1/11/1954, cuộc kháng chiến của dân tộc Algeria đã diễn ra trong suốt 8 năm gian khổ và đã giáng cho quân Pháp nhiều đòn chí tử . Tháng 3/1962, chính phủ Pháp đã buộc phải ký kết Hiệp ước đình chiến Évian, thừa nhận quyền độc lập tự chủ của Algieria.

Ông Noureddine Djoudi - Chủ tịch Hội những người bạn quốc tế của cách mạng Algeria khẳng định, ở Algeria, Pháp muốn xóa đi nỗi nhục thất bại ở Điện Biên Phủ và muốn có một chiến thắng bằng mọi giá để chứng minh quân đội Pháp vẫn là một đội quân hùng mạnh. Nhưng một lần nữa, họ lại thất bại, bởi vì Algeria cũng có tinh thần bất khuất, giống như Việt Nam. Bởi vì đấu tranh ngoại giao thất bại thì cần phải đấu tranh vũ trang đến cùng và Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ ở tỉnh Điện Biên có một tấm bản đồ, mô tả sự tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ với các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Những chấm sáng nhất và nhiều nhất là ở châu Phi. Và trên thực tế, ngọn lửa lớn đã bùng cháy và lan nhanh ở Lục địa Đen.

Phong trào khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc và đấu tranh chính trị đòi hỏi các quyền dân tộc tự quyết đã bùng lên khắp châu Phi. Riêng năm 1960, 17 quốc gia giành được độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân và được gọi là "Năm châu Phi".

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được in vào sách giáo khoa của Algeria, cùng với tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều lãnh đạo, tướng lĩnh và người dân Algeria vẫn nhớ, trong suốt chặng đường dài hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù lo bộn bề công việc của dân tộc Việt Nam, vẫn luôn dõi theo châu Phi.

Ở đó, cũng như Việt Nam, vẫn có những phong trào cách mạng đang đỏ lửa và những phận người dân thuộc địa cay đắng, khốn cùng… Họ cũng chính là động lực thôi thúc Người dành cả cuộc đời đấu tranh, không chỉ để giải phóng dân tộc mình mà còn để giải phóng cả nhân loại cần lao và các dân tộc thuộc địa đang chìm bóng tối của chế độ áp bức, thực dân.

Chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa vào sách giáo khoa của Algeria. Ảnh: Báo Nhân Dân

Không chỉ ở Algeria mà tại nhiều nước châu Phi khác, Đại tướng Võ Nguyên - Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ là con người được thực sự ngưỡng mộ. Trong các thư viện, hay trong các bảo tàng, nơi đâu cũng có dấu ấn của Đại tướng. Nhiều tác phẩm của Đại tướng hay viết về Đại tướng đã được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản ở nhiều nước Châu Phi.

Ông Mourad Lamoudi - Ủy viên Trung ương Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria - Phụ trách quan hệ đối ngoại đã dành thật nhiều tình cảm yêu kính và ngưỡng mộ cho những nhân vật huyền thoại này của Việt Nam.

"Điện Biên Phủ chính là một kì tích của một cuộc kháng chiến bắt đầu từ năm 1945 và những người lính may mắn được dẫn dắt, chỉ huy bởi những nhà lãnh đạo phi thường đó là Hồ Chí Minh và Tướng Giáp. Ở đây chúng tôi gọi Hồ Chí Minh một cách thân thương và đầy tôn trọng là Bác Hồ", ông Mourad Lamoudi cho biết.

Trên những nẻo đường, góc phố tại nhiều nước châu Phi hôm nay, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh Việt Nam. Một Cổng làng Việt Nam - tại tỉnh Kenitra, với lá cờ đỏ sao vàng và quốc kỳ Morocco cùng tung bay trong nắng.

Một góc dành riêng cho Việt Nam trong những Viện Bảo tàng và trên Đại lộ Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algiers của Algeria, một con đường ngay sát bờ biển Địa Trung Hải. Từng con sóng vỗ bờ dường như vẫn ngày ngày kể câu chuyện về những đợt sóng cách mạng dồn dập ở Algeria, ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, trong cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của những dân tộc bị chủ nghĩa thực dân đô hộ.

Nhóm PV/Phát thanh Quân đội

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chien-thang-dien-bien-phu-danh-thuc-suc-manh-luc-dia-den-post1092826.vov