Chiến thắng Điện Biên và điểm nhấn lịch sử

70 năm rồi nhưng dư âm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024) vẫn còn nguyên vẹn. Có nhiều cách để lý giải điều kỳ diệu này, nhưng theo tôi ngoài ý nghĩa lịch sử vĩ đại 'Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng' (Tố Hữu), chiến thắng ấy còn mang đậm giá trị nhân văn gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (lần 2) của dân tộc ta bước qua năm thứ 8 sau khi từng bước đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ địch giành được nhiều thắng lợi quan trọng mà nổi bật nhất là ở các mặt trận Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.

Kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954 do Trung ương Đảng vạch ra quyết tâm giữ vững thế chủ động, đánh địch cả chính diện và sau lưng với phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” nhằm làm phá sản kế hoạch Nava của đối phương. Trước nguy cơ kế hoạch Nava bị thất bại hoàn toàn, thực dân Pháp gấp gáp điều quân nhảy dù xuống lòng chảo Mường Thanh, sau đó tăng cường binh lực xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương thời bấy giờ.

Đối phương coi đây là một “pháo đài không thể công phá”, cao giọng thách thức ta tấn công Điện Biên Phủ. Địch nghĩ rằng, quân chủ lực Việt Minh sẽ mau chóng bị nghiền nát tại đây để rồi cái bàn đạp chiến lược khống chế Tây Bắc, Thượng Lào trở thành hiện thực và cuộc đối đầu ở Đông Dương sẽ thay đổi về tình thế có lợi cho thực dân Pháp. Đọc được ý đồ ấy, cuối năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ để tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con của quê hương Quảng Bình được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch lịch sử này. Vinh dự rất lớn nhưng thử thách cũng không nhỏ. Một chiến dịch quân sự không được phép thua, ta phải quyết thắng để kẻ địch không còn cơ hội và lực lượng tiếp tục cuộc đối đầu khốc liệt đã kéo dài suốt 8 năm nay.

Tinh thần ấy có trong nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đây là chiến dịch có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng; phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Điện Biên Phủ 1953-1954 mặc nhiên trở thành nơi đọ trí, đọ sức của cả hai bên mà chỉ một tính toán, quyết định sai sẽ thiêu rụi hết ý đồ chiến lược của mỗi phe tham chiến. Cái nghiệt ngã của mặt trận Điện Biên Phủ là ở chỗ đó. Quyết tâm, lực lượng, phương tiện là các yếu tố cần thiết nhưng chưa đủ; thắng lợi còn phụ thuộc vào cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng trước giờ G.

Vâng, trước giờ khai hỏa Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự chuẩn bị coi như đã hoàn tất. Kế hoạch hoàn tất. Lực lượng sẵn sàng. Quân ém sẵn. Những cỗ sơn pháo đã được kéo vào trận địa chờ giờ lên tiếng. Nhưng… Anh Văn (quân ta thường gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cái tên thân mật như thế) vẫn cảm thấy chưa yên lòng. Dường như đang còn ẩn khuất cái gì đó chưa thật ổn trong phương án tác chiến đã đề ra (có sự tham gia của các cố vấn quân sự Trung Quốc). Linh cảm của thiên tài hình như đã bắt được vào huyệt mạch non sông ngàn đời thiêng liêng để cái đắn đo, chần chừ, cân nhắc trở thành sự huyền diệu của lịch sử.

Tôi nghĩ Đại tướng của chúng ta đã nắm bắt được mạch truyền dẫn thăm thẳm đó để vượt qua những lối nghĩ thông thường và đi tới quyết định khó khăn bậc nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Quyết định chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nhanh hay Chắc? Hai từ ấy giằng co trong những đêm thao thức của Đại tướng, làm bạc cả tóc của ông giữa đêm Mường Phăng rào rào gió lướt.

Tôi hình dung rằng, ngoài sự nung nấu quyết thắng “dĩ bất biến” Đại tướng không thể không nghĩ tới máu xương, mồ hôi chiến sĩ, đồng bào. Người cầm quân tài giỏi là biết giành chiến thắng cuối cùng bằng việc tốn ít nhất máu xương chiến sĩ, đồng bào. Dù rằng, dân tộc ta đã xác định lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Phương án tác chiến mà Đại tướng lựa chọn sau cùng trong cuộc đọ sức trên chiến trường Điện Biên Phủ thực sự thấm đượm tính nhân văn. Thời gian càng lùi xa, tính nhân văn ấy càng rõ nét. Người ta đã nói nhiều về tài thao lược của Đại tướng trong việc thay đổi phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ nhưng tôi nghĩ chúng ta phải phân tích sâu hơn, kỹ hơn tính nhân văn của nó. Bởi, như nhiều tướng lĩnh phát biểu sau này, nếu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta không thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thì chắc chắn tổn thất, hy sinh của chiến sĩ, đồng bào sẽ nhiều hơn gấp bội và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không phải kết thúc ở con số 9 năm mà sẽ dài hơn nữa. Rất chí lý khi nhân dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của hòa bình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra được sự sáng suốt của việc thay đổi phương án tác chiến ấy ngay từ đầu. Thử nghĩ, khi kế hoạch đã được thông qua và có thể nói rằng sự bày binh bố trận cũng đã xong thế mà chỉ huy cao nhất của mặt trận bỗng nhiên thay đổi cách đánh gần như ngược lại hoàn toàn. Ở đây, chúng ta phải ghi nhận bản lĩnh tuyệt vời của Đại tướng. Những quyết định lịch sử như ở mặt trận Điện Biên Phủ 1953-1954 chỉ có ở các vị tướng có bản lĩnh và trí tuệ phi thường. Cũng cần phải nói thêm ở tài năng làm công tác tư tưởng và tổ chức để từ chỉ huy tới chiến sĩ nhận ra vấn đề và đồng lòng, đồng sức chiến đấu để chiến thắng.

Điện Biên Phủ, mãi mãi là bản anh hùng ca trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điện Biên Phủ, đấy là hình ảnh tiêu biểu của lòng yêu nước nồng nàn, của ý chí chống giặc ngoại xâm, của tinh thần dũng cảm, dám xả thân, dám dâng hiến cho Tổ quốc. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!/Những đồng chí, thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão,/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../Những bàn tay xẻ núi lăn bom/Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện… Và, đây nữa, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!/Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!/Vinh quang Tổ quốc chúng ta/Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa! Tố Hữu đã có những vần thơ hào sảng, xúc động như thế về chiến sĩ Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những vần thơ sống lâu bền trong tâm hồn nhân dân cũng như Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi tỏa sáng trong lịch sử đất nước.

Điện Biên Phủ không chỉ là một danh từ mà hình như đã trở thành tính từ nói về những chiến công lừng lẫy, các bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là quá khứ mà đó là hiện tại và cả tương lai. Tinh thần Điện Biên Phủ, khí phách Điện Biên Phủ, trí tuệ Điện Biên Phủ, tầm vóc Điện Biên Phủ chính là năng lượng hôm nay và mai sau. Điện Biên Phủ-Việt Nam. Điện Biên Phủ-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc, cổ vũ các thế hệ theo Đảng quang vinh dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Mùa hè năm 1954, khi lá cờ quyết thắng tung bay giữa lòng chảo Mường Thanh ngổn ngang dấu tích chiến trận, nhà thơ Tố Hữu khẳng định: Và trận thắng Điện Biên/Cũng mới là bài học đầu tiên! 70 năm sau và lâu hơn nữa, tôi tin rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là bài học không bao giờ cũ, mãi còn nguyên giá trị lịch sử nóng hổi. Bài học ấy không thể không gắn với tên tuổi vị tướng huyền thoại-Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202405/chien-thang-dien-bien-va-diem-nhan-lich-su-2217825/