Chiến thắng sít sao của ông Obama

Với việc thông qua Dự luật về bảo hiểm y tế tại Hạ viện, Tổng thống B.Obama đã giành được thắng lợi chính trị quan trọng nhất của mình sau 16 tháng cầm quyền. Tất nhiên, đó là một chiến thắng không dễ dàng.

Cuối cùng, sau một năm tranh luận, Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua Dự luật cải cách hệ thống chăm sóc y tế (Health care reform). Đây là một cuộc chiến đầy gay go bởi những cuộc tranh luận đã diễn ra dai dẳng trong khi ở phía ngoài trụ sở của cơ quan này, hàng đoàn người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Kill the Bill" (giết dự luật) nhằm gây sức ép lên các dân biểu Mỹ để họ không thông qua dự luật này. Cuộc chiến lần này là hết sức gay go bởi lẽ cuộc bầu cử Hạ viện sắp đến gần và sức ép tác động lên các nghị sĩ là rất lớn. Thế nhưng, cuối cùng, dự luật cũng đã được thông qua vào phút chót với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Dự luật này đã chính thức được Tổng thống Mỹ Obama phê chuẩn. Những người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: AP Có thể nói, đây là một chiến thắng có tính chất lịch sử. Theo nguồn từ Tiếng nói Hoa kỳ, trong buổi lễ, ông Obama đã tuyên bố: "Quốc hội Hoa Kỳ sau cùng đã xác định rằng người lao động Mỹ, các gia đình Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ xứng đáng được hưởng sự bảo đảm an toàn trên xứ sở này, biết rằng không một bệnh tật, một tai nạn nào có thể xâm hại những ước mơ mà họ đã làm việc cả đời để đạt lấy". Tất nhiên, ta cũng cần nhớ rằng Bộ luật vừa được thông qua không phải là cải cách đầu tiên và duy nhất về mặt xã hội và y tế ở Mỹ. Trước đó đã có những chương trình quan trọng và có thể nói là làm nền tảng cho bộ luật này. Điển hình là Chế độ công cộng dành cho người về hưu (Social Security) hay Chương trình công cộng về bảo hiểm y tế dành cho người già và người nghèo (Medicare và Medicaid). Những chương trình này là một bước quan trọng chuẩn bị cho việc bảo hiểm y tế toàn dân trở thành hiện thực ở Mỹ và trước ông Obama, Lyndon Johnson là người đã đi vào lịch sử khi đã thông qua được chương trình Medicare vào năm 1966. Cần phải nhớ rằng những sáng kiến về một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân đã xuất hiện nhưng liên tục gặp phải những trở lực to lớn. Trước ông Obama, nhiều tổng thống từ Roosevelt, Nixon và gần đây nhất là Clinton đã thất bại trong việc thiết lập một hệ thống bảo vệ sức khỏe toàn dân bắt buộc. Nhưng tại sao một ý tưởng tốt đẹp như vậy (chúng tôi đã phân tích trong một bài trước đây trên báo Sức khỏe & Đời sống) lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ đến vậy. Trước hết, cần phải hiểu truyền thống cá nhân chủ nghĩa và tự do của nền văn hóa Mỹ. Một trong những ám ảnh của người Mỹ là chính quyền can thiệp vào đời sống tư. Người ta chống lại luật bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế nhân danh quyền tự do cá nhân (người ta có quyền tự định đoạt mua hay không). Thứ hai, chương trình cải cách này sẽ huy động một nguồn tài chính lớn (trên 900 tỷ đô la trong vòng 10 năm) và có thể gây thâm thủng ngân sách. Và quan trọng hơn hết, nó tác động đến quyền lợi của các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế. Từ nay, thuế suất đánh vào các công ty này sẽ khác, đồng thời họ cũng không được quyền từ chối bảo hiểm cho những người có tiền sử bệnh tật (điều sẽ khiến chi phí mà họ phải trả cho người bệnh chắc chắn tăng cao). Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cũng sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm bảo hiểm y tế cho nhân viên của mình. Tóm lại, điều có thể thấy rõ là quyền lợi của giới chủ bị ảnh hưởng. Đó là một đạo luật mà người nghèo được hưởng lợi nhưng người giàu thì phải móc túi thêm tiền (tăng thuế, tăng trách nhiệm với tư cách người chủ). Và lẽ đương nhiên là đạo luật sẽ bị chống lại. Ít nhất, có 14 bang, ngay sau khi Tổng thống Obama ký thông qua đạo luật cải cách chăm sóc sức khỏe, đã tuyên bố kiện đạo luật này vì nó vi hiến khi chà đạp lên quyền tự do cá nhân. Theo giới chuyên gia, động thái này rõ ràng cho thấy phản ứng của Đảng Cộng hòa đối lập (đơn kiện xuất phát từ những bang "đất thánh" của Đảng Cộng hòa) và nó khó có thể có tác động lớn đến số phận của đạo luật này. Dẫu vậy, ít nhất, từ câu chuyện này ta cũng có thể rút ra hai điều. Thứ nhất, ở bất cứ thể chế nào thì quyền bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cũng là một quyền thiêng liêng và cần phải được bảo đảm. Thứ hai, trong nền chính trị hiện đại, những dự án tốt đẹp có thể bị đe dọa phá hoại bởi các nhóm quyền lợi nhân danh các giá trị tốt đẹp. Đó có lẽ là câu chuyện không phải của riêng nước Mỹ. Xuân Thạch

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100325085744722p30c86/chien-thang-sit-sao-cua-ong-obama.htm