'Chiến tranh phòng ngừa' Triều Tiên tấn công nước Mỹ

Trong vụ căng thẳng giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H. R. McMaster đã nói công khai về ‘Chiến tranh phòng ngừa’ Triều Tiên tấn công nước Mỹ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Trung tướng McMaster giải thích “Chiến tranh phòng ngừa” là một cuộc chiến nhằm ngăn chặn Triều Tiên đe dọa nước Mỹ bằng một loại vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Tổng thống đã nói sẽ không tha chuyện Triều Tiên có thể đe dọa nước Mỹ”.

Tổng thống Mỹ tính đánh thật hay chỉ lừa Triều Tiên?

Từ năm 2002, Nhà Trắng đã luôn tính đến những lợi-hại của một hành động quân sự đánh phủ đầu một quốc gia thù địch.

Hơn 10 năm qua, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị nhiều phương án đánh phủ đầu các vị trí tên lửa và VKHN của Triều Tiên, và 4 đời tổng thống Mỹ đều tuyên bố “mọi giải pháp đều đặt trên bàn”, nhưng câu này xem ra không đáng tin vì nguy cơ Triều Tiên đánh Hàn Quốc để trả đũa, nhất là nguy cơ thủ đô Seoul 25 triệu dân bị tấn công bằng VKHN.

Nhưng khi quân Mỹ-Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung Người bảo vệ tự do Ulchi (từ 21 đến 31.8) Nhà Trắng quyết tạo ấn tượng giải pháp quân sự là có thật.

“Chiến tranh phòng ngừa” nhằm khẳng định với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Trung Quốc, rằng Tổng thống Mỹ quyết “xử lý” các vấn nạn từ Triều Tiên (như ông Trump đã nói) thay vì hy vọng lệnh cấm vận Triều Tiên sẽ phát huy tác dụng.

Trước khi cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi bắt đầu, Triều Tiên ngày 20.8 tuyên bố: “Quân đội nhân dân Triều Tiên cảnh giác cao, sẽ thực hiện các bước kiên quyết ngay khi phát hiện một dấu hiệu nhỏ nhất của một cuộc chiến tranh phòng ngừa”.

Nhưng dù ông Trump thật sự không có ý định dùng vũ lực quân sự, việc thuyết phục các đồng minh và kẻ thù của Mỹ rằng ông sẵn sàng dùng đến giải pháp nguy hiểm này (các ông Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều từng đánh giá sự nguy hiểm) sẽ có một giá trị đáng kể.

Báo New York Times ngày 20.8 viết: “Dù ông Trump thật sự chuẩn bị hay chỉ bịp, các cố vấn, quan chức quân đội và chuyên gia được Nhà Trắng tư vấn đều đoán chắc chính phủ Trump đang đối đầu với chương trình hạt nhân của Triều Tiên với những nhận định khác hẳn 3 vị tiền nhiệm”.

Kế hoạch “Giết dây chuyền” của Mỹ-Hàn

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuần trước nhấn mạnh ông có quyền phủ quyết bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ.

Ông nói: “Dù Mỹ và Tổng thống Trump muốn dùng giải pháp nào, họ đã hứa sẽ lấy ý kiến đầy đủ của Hàn Quốc và phải có sự đồng ý từ trước của chúng ta. Người dân có thể an tâm rằng sẽ không có chiến tranh”.

Các cố vấn an ninh hàng đầu của ông Trump không ra những tuyên bố dọa nạt như ông Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 17.8 nói tại một cuộc họp báo: “Triều Tiên cần cẩn trọng hiểu rõ những hậu quả nếu họ tự có một lựa chọn tồi”. Ông không nói ‘lựa chọn tồi’ là gì.

Cũng tại cuộc họp báo này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mô tả một kịch bản Mỹ hành động mà không xin phép Hàn Quốc: Nếu quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương phát hiện Triều Tiên phóng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ hoặc lãnh thổ đồng minh của Mỹ, thì “chúng tôi sẽ có ngay các hành động đặc biệt và lập tức để bắn hạ tên lửa đó”.

Tuyên bố của ông Mattis mở ra câu hỏi Mỹ sẽ tấn công trực tiếp hoặc tấn công mạng, để cố gắng hủy diệt tên lửa Triều Tiên ngay từ trước khi chúng rời khỏi bệ phóng.

Đó là những hướng trong kế hoạch Giết dây chuyền (được nêu trong một tuyên bố chung Mỹ-Hàn mới đây) để phá hủy các bệ phóng tên lửa, cơ sở hạt nhân, bộ phận chỉ huy và kiểm soát của Triều Tiên.

Các quan chức cấp cao cho biết: tác giả kế hoạch chưa rõ Giết dây chuyền có được tiến hành đủ hiệu quả hay không, nhưng họ cố tình công bố kế hoạch này. Và dù là một kế hoạch mật, mục tiêu là dập tắt khả năng Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc,  Nhật Bản và Mỹ.

Các nhà chiến lược ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng bàn luận riêng về một kịch bản khác: Một cuộc nổi dậy ở Triều Tiên sẽ khiến quân Mỹ, Hàn và Trung Quốc nhào vào tìm VKHN của Triều Tiên, hoặc lôi kéo một quan chức quân đội Triều Tiên tham nhũng chịu giao chỉ một thiết bị hạt nhân có thể dẹp tan lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc đánh trả cuối cùng.

Trực thăng quân sự Mỹ tại một căn cứ ở Hàn Quốc

Ông Trump coi chừng bị hớ vì dọa suông

Trong số những người nghi ngờ Mỹ đánh phủ đầu Triều Tiên có Stephen K. Bannon, người vừa bị Tổng thống Trump cách chức chiến lược gia trưởng.

Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia thời Obama, gần đây viết bình luận trên báo New York Times: tiến hành chiến tranh phòng ngừa sẽ là “điên rồ”.

Bà viết: “Lịch sử chứng minh nếu cần, chúng ta có thể chấp nhận VKHN ở Triều Tiên, như cách chúng ta chấp nhận mối đe dọa lớn hơn từ hàng ngàn VKHN Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh”.

Nhưng tướng McMaster phản ứng lại: “Làm sao có thể áp dụng cách này với một chế độ như Bình Nhưỡng?”. Tướng McMaster, một sử gia quân sự, nhấn mạnh Mỹ không thể trông mong kiềm chế được Triều Tiên theo cách kiềm chế Liên Xô và Trung Quốc thời Chiến tranh Lạnh.

Quan điểm này khác với kết luận của các nhà lập chính sách cấp cao trước đây: những biện pháp chống các cường quốc hạt nhân lớn sẽ đủ chống lại một nước bị bóp nghẹt kinh tế và chỉ có một kho vũ khí nhỏ.

Tướng McMaster cùng các quan chức khác cũng thách đố một quan điểm lâu nay là không thể có giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên, dù họ - gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đều nhanh chóng thừa nhận dùng đến vũ lực thì “rất khủng khiếp”.

Các trợ lý của ông Trump đều nói ông Kim Jong-un khó lường trước hơn là Liên Xô.

Họ cũng nêu khả năng mục đích thật của ông Kim Jong-un là ra yêu sách, theo các quan chức biết chuyện trong những cuộc bàn luận về Triều Tiên ở Phòng Tình hình ở Nhà Trắng.

Họ nói khi dọa tấn công tên lửa vào Los Angeles và Chicago, ông Kim Jong-un có thể hy vọng Mỹ sẽ lo viện trợ Triều Tiên, hoặc khiến Nhật-Hàn nghi ngờ Mỹ sẽ không giúp họ nếu bùng nổ một cuộc chiến tranh khu vực.

Các quan chức Mỹ cũng cho rằng những nỗ lực ngoại giao sẽ thất bại, vì ông Kim Jong-un chọn cách bảo vệ mình là sở hữu VKHN.

Bình Nhưỡng đã tuyên bố Triều Tiên sẽ không bao giờ đưa khả năng tự vệ vào bàn đàm phán, không từ bỏ con đường tiến lên thành một quốc gia hạt nhân. Như thế, ông Trump đối mặt với những hậu quả tiềm năng từ chính những lời dọa của ông.

Nếu Tổng thống Mỹ giao việc cho Ngoại trưởng Tillerson cố gắng đàm phán để Triều Tiên ngưng thử tên lửa và thử hạt nhân (mà nhiều chuyên gia khuyên ông Trump nên theo cách này) thì ông sẽ trì hoãn được cuộc khủng hoảng, nhưng không xử lý được rốt ráo.

Và nếu ông chọn cách tấn công mạng, chiến tranh điện tử, thì ông có thể trì hoãn tiến độ Triều Tiên phát triển tên lửa, nhưng không được nhiều.

Vì thế, những giải pháp quân sự mà ông Trump đem ra dọa có thể sẽ bị chứng minh là “dọa suông”.

Trung Trực (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/chien-tranh-phong-ngua-trieu-tien-tan-cong-nuoc-my-69878.html