Chiếu laser vào máy bay sẽ bị xử lý ra sao?

Tại các nước phát triển, phần lớn trường hợp chiếu laser chỉ để vui đùa, nhưng vẫn bị xử lý nghiêm.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, ở các nước phát triển như Anh, Mỹ…, mỗi năm ghi nhận hàng nghìn trường hợp chiếu tia laser vào máy bay, khiến phi công bị lóa mắt, phải đổi hướng bay, thậm chí có người bị hỏng võng mạc. Phần lớn trường hợp chiếu laser chỉ để vui đùa, nhưng vẫn bị xử lý nghiêm.

Tia laser có thể khiến phi công mất thị lực tạm thời. (Ảnh minh họa: KT)

Cục Hàng không dân dụng Anh (CAA) ghi nhận xấp xỉ 9.000 trường hợp tia laser chiếu vào máy bay trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 6/2015 ở nhiều địa phương của Anh, gồm 746 vụ năm 2009, 1.500 vụ năm 2010, 1.912 vụ năm 2011…

Trong sáu tháng đầu năm ngoái, CAA ghi nhận 414 trường hợp, trong đó có 48 vụ tại sân bay Heathrow ở London, 32 vụ ở sân bay Birmingham, 24 vụ ở sân bay Leeds Bradford, 23 vụ ở sân bay Manchester…

Nguy hiểm cho phi công

Võng mạc mắt phải của một phi công phụ của hãng British Airways đã bị hỏng sau khi tia laser mạnh chiếu vào buồng lái khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Heathrow hồi tháng 11/2015. Kể từ đó, viên phi công này không thể trở lại làm việc.

Theo Hiệp hội Phi công Hàng không Anh (BALPA), tia laser có thể khiến phi công mất thị lực tạm thời. Tổng thư ký BALPA Jim McAuslan muốn Anh ra quy định coi laser là vũ khí tấn công để cảnh sát có thêm quyền bắt những người sở hữu, tàng trữ laser mà không có lý do chính đáng.

Một nhà bán lẻ ở Vương quốc Anh, Megalaser UK, cảnh báo trên website: “Laser không phải đồ chơi. Ánh sáng laser có thể đốt cháy bóng bay, làm chảy nhựa, làm cháy diêm và có thể đi xa tới 160 km”.

Phạt nặng

Năm 2010, Vương quốc Anh thông qua một luật, theo đó sẽ truy tố những ai chiếu ánh sáng vào máy bay đang bay làm phi công lóa mắt hoặc sao lãng. Dù vô tình gây nguy hiểm, người vi phạm có thể vẫn phải ngồi tù nếu gây ra tình trạng sao lãng hoặc chói mắt nghiêm trọng.

Tháng 2/2016, tòa án thành phố Birmingham tuyên phạt người bán hàng Chris Vowles 7 tháng tù cho hưởng án treo, lao động công ích 250 giờ, bồi thường 100 Bảng cho nạn nhân và đóng 300 Bảng án phí.

Tại Mỹ, từ năm 2005, Cục quản lý Hàng không Liên bang (FAA) bắt đầu theo dõi các vụ chiếu laser vào máy bay. Năm 2010, FAA ghi nhận hơn 2.800 trường hợp khắp nước Mỹ.

Ngoài ra, FAA có thể phạt hành chính tới 11.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm. FAA đã thành lập các khu không phận riêng để bảo đảm phi công không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng quá mạnh, trong đó có tia laser. Ví dụ, tại khu vực xung quanh và phía trên đường băng, độ sáng phải nhỏ hơn 0,05 microwatt/cm², khu vực 18,5km quanh sân bay, giới hạn cho phép tối đa là 5 microwatt/cm vuông…

Ở nhiều nước, việc mua bán thiết bị laser, chủ yếu là bút laser, là hợp pháp. Chúng thường được dùng trong các bài thuyết trình, tại các hộp đêm, chương trình biểu diễn nghệ thuật. Một số ngành công nghiệp sử dụng thiết bị laser để chỉ các khoảng cách cụ thể; còn quân đội dùng để đánh dấu mục tiêu vào ban đêm.

Bổ sung hành vi chiếu laser vào quy định để xử phạt vi phạm

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tới đây, Cục Hàng không Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan sẽ xem xét và sửa đổi Nghị định 147/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, bổ sung hành vi này vào quy định để xử phạt vi phạm.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đề nghị, các địa phương có sân bay cần thực hiện tốt và nghiêm minh các chỉ thị về việc phòng, chống sử dụng đèn chiếu laser uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng do Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã ban hành vào tháng 3 vừa qua. Bên cạnh đó, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã yêu cầu các địa phương có sân bay tuyên truyền cho người dân gần khu vực sân bay hiểu và hạn chế sử dụng loại tia này.

Theo đó, các Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương, các Cảng hàng không, sân bay, các cơ quan đơn vị có liên quan rà soát và có biện pháp khuyến cáo tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực sân bay không sử dụng đèn chiếu tia laser, gây nguy hiểm cho hoạt động bay.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về tính nguy hại của việc sử dụng tia laser chiếu vào tàu bay khi đang trong quá trình cất/hạ cánh, các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tia laser…

Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân khi tổ chức các sự kiện gần khu vực Cảng hàng không, sân bay có sử dụng các loại đèn chiếu laser phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và thông báo với nhà chức trách hàng không tại Cảng hàng không, sân bay đó./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/chieu-laser-vao-may-bay-se-bi-xu-ly-ra-sao-524935.vov