Chiêu mập mờ của đại lý Honda: Phải đền gấp đôi?

Không có xe giao, đại lý yêu cầu khách hàng rút tiền cọc, người tiêu dùng bị hại mà không kêu ai.

Thêm nhiều khách hàng ngậm bồ hòn

Cơn lốc giảm giá của hàng loạt hãng xe trong đó có Honda Việt Nam và mẫu xe CR-V đã làm nóng thông tin thị trường tuần qua. Song, dù khuyến mãi "khủng", nhiều khách hàng cho rằng mình chỉ nhận lại cú lừa.

Khuyến mại khủng, nhiều khách hàng chỉ biết "ơ" vì đặt cọc 100% vẫn không có xe. Ảnh: VNM

Anh Vũ Khắc Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) một khách hàng của đại lý Honda ô tô Long Biên cho Báo Đất Việt biết, anh đã đặt cọc để mua mẫu xe Honda CR-V với giá ưu đãi nhưng không được giao xe mà lại được mời đến rút tiền đặt cọc về.

Đã nắm rõ tinh thần giảm giá "sốc" của hàng loạt hãng xe, anh Ngọc sớm đi đặt cọc để hưởng ưu đãi. Nhưng sau vài ngày, Honda Long Biên gọi tới và thông báo hết xe.

Trong khi đó, nhiều đại lý khác của Honda vẫn tiếp tục chào giá với anh để mua CR-V cùng phiên bản với giá thấp hơn.

Đặc biệt, khi lên hãng giải quyết, nhân viên đại lý Honda đã mời anh viết yêu cầu rút lại khoản đặt cọc nếu không có lựa chọn mua phiên bản nâng cấp hoặc chuyển sang các mẫu xe khác.

Trong hợp đồng mua bán xe của anh Ngọc với đại lý Honda Long Biên cũng không hề có điều khoản quy định về trách nhiệm của đại lý này khi không có xe để giao cho khách hàng thì khoản đặt cọc sẽ được xử lý ra sao.

"Tôi nắm rất rõ luật quy định về khoản đặt cọc trong hợp đồng mua bán. Người mua phải được nhận lại khoản cọc và bồi thường từ phía đại lý. Nếu đại lý yêu cầu rút cọc, người tiêu dùng sẽ là bên bị động và chịu thiệt" - anh Ngọc cho biết.

Khách hàng này nói thêm: "Tôi hoàn toàn có thể kiện đại lý này nhưng bởi vì Honda Long Biên đã giải thích vẫn đang cố gắng thu mua lại xe từ hãng phân phối cho các đại lý ủy nhiệm Honda Head nên tôi đang chờ đợi sự thiện chí tiếp theo ra sao".

Không chỉ riêng trường hợp của anh Ngọc, anh Lê Tiến Đức (Hà Nội) cũng gặp phải trường hợp đại lý "giở trò" tương tự ở đại lý Honda Ô tô Tây Hồ.

Ngày 1/9, sau khi biết có thông tin giảm giá xe CR-V từ Honda Tây Hồ, anh Đức liền mang tiền đặt cọc 828 triệu đồng và 50 triệu đồng phụ kiện để mua mẫu CRV 2.4L trắng.

Thời gian giao xe là 27/9/2017. Tuy nhiên đến ngày 5/9, nhân viên bán xe của đại lý này báo lại là hãng hết xe nên không giao được và mời sang nhận lại tiền cọc.

Đặt cọc hoàn chỉnh vẫn không có xe trong thời hạn giảm giá. Ảnh: NĐT

Thậm chí, còn có trường hợp anh Nguyễn Hoài Nam phải bán chiếc xe cũ, vay tiền ngân hàng để hưởng ưu đãi khi mua mẫu CR-V của đại lý Honda Long Biên. Cuối cùng câu trả lời vẫn là mời mua phiên bản cao hơn hoặc làm đề nghị lấy lại tiền cọc.

Nếu chỉ lấy lại tiền cọc, anh Nam vừa không nhận được xe mà các khoản lãi phát sinh từ ngân hàng, chi phí đi lại những ngày chưa có xe do đại lý giao... thì một mình anh phải chịu.

Cũng theo các bình luận được trao đổi trên diễn đàn về xe hơi, nhiều khách hàng đã nhận cú lừa của các đại lý Honda. Trong hợp đồng mua bán xe không ghi rõ về điều khoản xử lý tiền cọc nếu hãng không giao xe khiến nhiều khách hàng đành uất ức nhận lại cọc để ra về và chịu thiệt.

Nhiều bình luận cũng chỉ mặt vạch tên cách làm ăn coi thường quyền lợi khách hàng của một số đại lý ô tô để những người mua sau biết đường tránh.

Đặt cọc không giao xe, bồi thường gấp đôi, có thể bị kiện

Trao đổi với Báo Đất Việt, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng dù trong hợp đồng mua bán xe của Đại lý Honda không ghi rõ điều khoản về đặt cọc song pháp luật đã có quy định rất rõ tại điều 328 Bộ luật dân sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2017.

Luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia việc đặt cọc: “... nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Như vậy, trong trường hợp của các khách hàng mua xe từ đại lý Honda như trên, khách hàng phải nhận lại được tiền cọc và khoản bồi thường tương đương khoản cọc từ phía đại lý.

Lợi dụng những khách hàng chưa nắm rõ về luật, nhiều đại lý Honda đã yêu cầu khách rút lại tiền cọc. Điều này khiến khách hàng mất đi 1 nửa quyền lợi, đồng thời tốn nhiều thời gian và công sức.

"Tôi cho rằng, mức bồi thường nói trên là chưa đủ để răn đe" - LS. Nguyễn Văn Hậu nhận xét.

LS. Hậu cũng cho rằng, việc đại lý từ chối hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho hãng xe không có đủ số lượng xe giao là không hợp lý.

"Khi tiến hành nhận tiền đặt cọc của khách hàng thì đại lý đương nhiên phát sinh nghĩa vụ phải có xe để giao, trách nhiệm của đại lý là phải quản lý số lượng xe mà đại lý đang còn tại kho hoặc xác minh tại hãng.

Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng thì đại lý có thể thỏa thuận lại với khách hàng có tiếp tục hợp đồng hay không và chịu trách nhiệm trả cọc cũng như bồi thường theo đúng quy định" - LS. Nguyễn Văn Hậu nhận định.

Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cũng cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định về việc xử lý đối với hành vi của đại lý ghi không rõ ràng điều khoản trong hợp đồng.

Song, nếu có chứng cứ xác định đại lý đã có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì theo quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, đại lý có thể bị truy tố về tội “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chieu-map-mo-cua-dai-ly-honda-phai-den-gap-doi-3343252/