Chiêu trò giả danh Công an để lừa đảo

Kết bạn online đang là xu hướng của nhiều người, đặc biệt giới trẻ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Tuy nhiên tiện ích này cũng khiến nhiều người bị lầm tưởng giữa thế giới ảo và cuộc đời thật, để rồi mắc bẫy những kẻ lừa đảo quá dễ dàng. Nhiều đối tượng giả danh công an để lừa đảo, và không ít nạn nhân sập bẫy.

Tìm bạn trên mạng, mất cả chì lẫn chài

"Mình là Loan, 24 tuổi, là nhân viên kế toán ở Hà Nội, đã ly hôn, chưa có con. Mình mong muốn kết bạn với nam nhiều tuổi, chín chắn, công việc ổn định để yêu thương chân thành".

Giữa tháng 7 vừa qua, trong tâm trạng cô đơn khi vừa trải qua ly hôn, chị Nguyễn Thị Loan (24 tuổi), quê Thái Nguyên, là nhân viên kế toán một công ty có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội đã đăng những dòng tin tìm bạn trên trang web www.ketban.sime.vn . Cầu được ước thấy, ngay sau khi đăng tin, chị Loan nhận được tin nhắn từ tổng đài thông báo có một bạn trai mang mã số xxxx gửi lời nhắn mong muốn được làm quen, kết bạn. Hai bên nhanh chóng trao đổi số điện thoại.

Người bạn trai nhắn tin làm quen tự giới thiệu tên là Tuấn Anh, 30 tuổi, là cảnh sát hình sự, nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuấn Anh gửi cho chị Loan mấy bức hình chụp chân dung và cho biết bố mẹ đang giục lấy vợ. Anh ta tâm sự, do mải mê công việc "đánh án" nên chẳng có thời gian yêu đương. Tuấn Anh chỉ mong tìm được người bạn gái có công ăn việc làm ổn định để dẫn về ra mắt bố mẹ.

Các trang mạng xã hội, kết bạn online được Công sử dụng để lừa đảo.

Ngất ngây trước chàng "cảnh sát hình sự" đẹp trai, già dặn, chín chắn cả về tuổi tác và công việc, trước mắt chị Loan chỉ là một màu hồng. Chàng "cảnh sát hình sự" nói gì chị cũng tin. Có lần chị Loan thắc mắc sao không thấy Tuấn Anh mặc trang phục công an? Anh ta bảo là cảnh sát hình sự, công việc trinh sát phải hóa trang mới bắt được tội phạm.

Sau vài lần hò hẹn, gặp gỡ thân mật ngoài đời, chị Loan thấy mình thật hạnh phúc khi đã tìm được "một nửa" ưng ý. Về phía chàng "cảnh sát hình sự", anh ta tỏ ra là người đàn ông hết sức lịch thiệp, chiều chuộng bạn gái và bày tỏ muốn tiến tới một mối quan hệ "hơn cả tình bạn". Những lời đường mật do anh ta vẽ ra khiến chị Loan như bay trên mây.

Chiều 27/7, chị Loan từ Thái Nguyên lên Hà Nội, hẹn Tuấn Anh đón tại bến xe Nam Thăng Long. Xe vừa cập bến, chị Loan đã nhìn thấy anh chàng "cảnh sát hình sự" bảnh trai đi xe máy Airblade đợi sẵn, đón chị bằng nụ cười tình tứ. Anh ta mở cốp, bảo chị Loan cất túi vào đó cho an toàn, dạo này nhiều cướp giật. Chị Loan cười khúc khích khi thấy chàng "cảnh sát hình sự" quá lo xa, nhưng cũng ngoan ngoãn nghe theo lời anh ta cất túi vào cốp rồi lên xe để anh ta chở về nhà trọ tại Hà Đông.

Dọc đường, hai người mải mê nói chuyện đến nỗi anh chàng "cảnh sát hình sự" nhầm lẫn, đi vào một đoạn đường vắng tanh, hai bên chỉ là cánh đồng. Vốn không thông thạo đường đi nên chị Loan cũng chẳng biết đi lối nào. Tuấn Anh tỏ ra ngơ ngác, bảo anh ta chỉ quen với phố phường Hà Nội. Tuấn Anh nhờ chị Loan xuống xe, đi tìm quanh xem có ai thì hỏi thăm đường. Trong lúc chị loay hoay đi bộ tìm người chỉ đường thì anh chàng “cảnh sát hình sự” rồ ga, phóng vọt đi. Chợt nhớ ra chiếc túi xách để trong cốp xe của “bạn trai”, chị hớt hải đuổi theo nhưng không kịp. Tuy nhiên, chị vẫn kịp đọc được biển kiểm soát chiếc xe máy của kẻ lừa đảo.

Vương Quốc Công (ảnh phải) và một số đối tượng kết bạn trên mạng để lừa đảo bị bắt giữ .

Thất thểu đi bộ một mình trên đường, chị Loan biết đã gặp phải kẻ lừa đảo. Sau một hồi suy nghĩ, chị quyết định đến Cơ quan Công an trình báo. Nhưng xấu hổ vì chuyện "dại trai" nên khi làm đơn gửi Công an phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, chị Loan trình bày bị 2 đối tượng đi xe máy AirBlade BKS 29V5-177.xx cướp giật túi xách tại đường Đại Mỗ thuộc tổ 3 phường Phú Đô, trong túi có 1 dây chuyền vàng tây trị giá gần 6 triệu đồng, 1 điện thoại di động Samsung và hơn 9 triệu đồng tiền mặt cùng giấy tờ tùy thân.

Chị Loan cũng mô tả rất chi tiết đặc điểm một trong hai tên cướp giật. Hồ sơ vụ "cướp giật tài sản" đã được chuyển tới Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận Nam Từ Liêm.

Qua nghiên cứu hồ sơ, điều tra viên Đội CSHS phát hiện đơn trình báo của chị Loan có nhiều điểm bất hợp lý. Thông thường các vụ cướp giật tài sản diễn ra rất nhanh. Việc nạn nhân không những nhớ chính xác biển kiểm soát xe của thủ phạm mà còn nhớ chi tiết đặc điểm nhân dạng đối tượng như chị Loan là rất hiếm. Tuy nhiên, tại sao 2 tên cướp mà chị Loan lại chỉ nhớ một tên?

Để làm rõ uẩn khúc vụ việc, điều tra viên đã động viên chị Loan khai báo sự thật, đồng thời tiến hành xác minh về chiếc xe máy AirBlade có biển kiểm soát như chị Loan cung cấp. Chủ đăng ký xe là chị Nguyễn Thị N ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết chiếc xe trên đúng là của gia đình, hàng ngày chồng chị là Vương Quốc Công (SN 1984) vẫn sử dụng. Công làm việc "dưới Hà Nội", thỉnh thoảng mới về nhà. Tiến hành cho chị Nguyễn Thị Loan nhận dạng qua ảnh, chị Loan xác định Vương Quốc Công chính là chàng "cảnh sát hình sự" tên Tuấn Anh mà chị làm quen qua mạng.

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 11/9/2014, Đội CSHS Công an quận Nam Từ Liêm đã triệu tập Vương Quốc Công và làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công đối với chị Nguyễn Thị Loan. Đáng chú ý, sau khi lừa chị Loan, Công tiếp tục lên mạng lừa thêm ít nhất 3 phụ nữ khác. Để không bị lộ tung tích, Công xóa mọi thông tin của mình trên trang www.ketban.sime.vn . Anh ta thiết lập tài khoản trên trang mạng xã hội Zalo để tìm con mồi mới.

Vẫn chiêu trò lấy tên là Tuấn Anh, nhà ở Cầu Giấy, "công tác trong ngành công an hoặc quân đội", cộng thêm "mác" đẹp trai, tán giỏi, Công tiếp tục làm siêu lòng những phụ nữ mới quen trên mạng. Sau lần lừa đảo chị Loan, Công tháo biển kiểm soát xe máy cất ở nhà. Vẫn thủ đoạn đề nghị bạn gái cất đồ vào cốp, sau đó vờ nhầm đường, bảo bạn gái xuống xe hỏi thăm, Công phóng xe máy chuồn thẳng. 3 người bạn gái quen qua mạng Zalo đã bị Công chiếm đoạt điện thoại, máy ảnh và nhiều tài sản khác, trị giá trên 10 triệu đồng.

Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Vương Quốc Công về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Lân, Phó trưởng Công an quận, trong vụ án này, về phía những người bị hại cũng có "lỗi" khi đã quá dễ dãi trong việc kết bạn và thân mật với người mới quen trên mạng xã hội. Trong 4 bị hại thì người Công làm quen lâu nhất là một tuần, còn lại chỉ vài ngày, thậm chí trong một ngày. Không chỉ có các cô gái trẻ nhẹ dạ mà có cả phụ nữ đã có gia đình nhưng vẫn ưa phiêu lưu, mạo hiểm trong mối quan hệ với kẻ giả danh "cảnh sát hình sự" này

Tình ảo, lừa thật

"Đang cô đơn, đang buồn, cần người tâm sự…". Đây là những lời mời kết bạn gặp nhan nhản khi mở các trang mạng xã hội như Ola, Zalo, Facebook, các trang kết bạn online… trên Internet. Một cú click chuột, người lạ thành người quen. Trao đổi số điện thoại, gửi cho nhau dăm bức ảnh để nhận diện, nếu ưng nhau thì hò hẹn gặp nhau ngoài đời thật. Các chiêu trò lừa tiền, lừa tình cũng từ mối quan hệ "ảo" này mà ra. Trong đó, phổ biến nhất là trò giả danh công an để lừa đảo.

Tang vật một vụ lừa tình lừa tiền từ kết bạn trên internet.

Mới đây nhất, Công an TP Hạ Long đã điều tra, bắt giữ Bùi Khánh Tài (22 tuổi) trú tại khu 7, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ về hành vi giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 thiếu nữ. Theo tố cáo của nạn nhân, đầu tháng 6/2014, qua mạng xã hội Zalo, Tài tự nhận là cán bộ Phòng PC45, PC47 Công an Quảng Ninh, có khả năng xin việc.

Quá trình chát trên mạng, Tài sử dụng bộ quần áo cảnh sát và một khẩu súng Colt để khoe mẽ nên cô gái nào cũng tin tưởng anh ta là cán bộ công an thật. Sau khi quen một thời gian ngắn, Tài bịa ra đủ lý do để vay tiền "người yêu". Không chỉ trao tiền, 3 cô gái còn trao thân cho kẻ lừa đảo với niềm tin sẽ được Tài giúp đỡ "chạy việc". Đến khi Tài cắt liên lạc trên Zalo, các nạn nhân mới tỉnh cơn mê, đến Cơ quan Công an trình báo.

Qua điều tra, tối 21/8, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã bắt giữ Bùi Khánh Tài khi anh ta đang ở cùng bạn gái tại một khu trọ ở phường Phương Nam, TP Uông Bí, thu giữ súng và một số quần áo cảnh sát mà Tài sử dụng để lừa đảo.

Cũng trên mạng xã hội Zalo, Hoàng Đình Tuấn (28 tuổi, quê Thường Xuân, Thanh Hóa) tự xưng là "Cảnh sát hình sự Công an Đồng Nai", kết bạn với các nữ sinh, những phụ nữ độc thân mong muốn tìm bạn trai trên mạng. Sau khi làm quen, Tuấn hẹn nạn nhân đi uống cà phê, xem phim để gặp mặt. Tuấn lấy cớ đang bảo dưỡng xe, chủ động điều khiển xe máy của nạn nhân để giữ chìa khóa. Vào quán, trò chuyện khoảng 30 phút, Tuấn giả vờ đi vệ sinh để chiếm đoạt xe máy. Với thủ đoạn này, Tuấn đã chiếm đoạt được 5 xe máy, bán lấy tiền tiêu xài.

Trong số những kẻ giả danh công an để lừa đảo phụ nữ trên mạng Internet, phải kể đến "siêu lừa" Đàm Mạnh Truyền (28 tuổi), quê Vũ Thư, Thái Bình. Ban ngày làm phụ bếp, bảo vệ cho các nhà hàng ở khu công nghiệp Như Quỳnh (Hưng Yên), buổi tối Truyền lên mạng, giả danh công an để lừa đảo các cô gái nhẹ dạ. Truyền lấy nick name là "hai_police", bài trí căn phòng trọ của mình giống như phòng làm việc.

Bên cạnh chiếc tủ, anh ta treo một bộ quần áo giống màu sắc của trang phục cảnh sát rồi hướng camera về phía đó. Vậy là qua webcam, các cô gái tưởng Truyền đang ngồi làm việc ở trụ sở Cơ quan Công an. Để tránh bị lộ, Truyền chỉ chát với nạn nhân một lát rồi tắt camera với lý do "lên đường làm nhiệm vụ".

Đặc biệt, "siêu lừa" đã dựng lên một kịch bản mùi mẫn rằng có người yêu là cảnh sát phòng chống ma túy đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Khi làm quen với các nạn nhân, điều đầu tiên anh ta thổ lộ là "em giống hệt người yêu đã hy sinh của anh" khiến cô gái nào cũng rưng rưng xúc động. Sau khi "cá cắn câu", Truyền hẹn gặp, đưa nạn nhân đi ăn uống rồi kết thúc ở… nhà nghỉ. Với thể hình cơ bắp, khả năng "giường chiếu" thành thạo, cô gái nào gặp Truyền cũng bị mê hoặc.

Trong các cuộc truy hoan, hầu hết các cô gái đều thấm mệt, không chịu nổi một kẻ vai u thịt bắp như Truyền. Lúc đó, Truyền pha thuốc ngủ vào nước giải khát để "bồi bổ" sức khỏe cho bạn tình. Khi các cô gái ngấm thuốc ngủ, Truyền lấy hết tư trang, tài sản, để mặc nạn nhân bất tỉnh trong nhà nghỉ, cao chạy xa bay. Phần lớn nạn nhân do xấu hổ nên đã không trình báo Cơ quan Công an.

Tháng 1/2013, tại một nhà nghỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, Truyền cho một cô gái mới quen uống liều thuốc ngủ cực mạnh khiến cô này mê man 2 ngày liền, cướp đi số tài sản gồm 1 xe máy Attila, 1 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động và hơn 1 triệu đồng tiền mặt. Chủ nhà nghỉ phát hiện cô gái trong tình trạng bất tỉnh đã báo Cơ quan Công an. Tung tích kẻ giả danh công an từ đây mới được Công an quận Thanh Xuân điều tra, làm rõ.

Khi bị bắt, từ số giấy tờ tùy thân của các nạn nhân mà Truyền lưu giữ tại phòng trọ, Cơ quan Công an xác định có 17 cô gái ở các tỉnh phía Bắc bị "siêu lừa" cho vào bẫy.

Lạm dụng các trang mạng xã hội quá đà dẫn tới không phân biệt được đâu là thế giới ảo, đâu là cuộc sống thật, cộng với sự dễ dãi trong các mối quan hệ với người lạ là nguyên nhân khiến nhiều người đã và đang trở thành nạn nhân của tội phạm gây án trên mạng. Lừa tình, lừa tiền đã đành. Có người ôm mối hận suốt đời khi bị kẻ xấu sử dụng ảnh "nóng" để tống tiền, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm. Tình ảo nhưng lừa thật, mặt trái của kết bạn online luôn hiện hữu, rình rập

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2014/10/84158.cand