‘Chiêu’ tự cứu mình của doanh nghiệp địa ốc

(VTC News) – Tự liên kết để tạo thành dây chuyền khép kín giữa Ngân hàng – Chủ đầu tư – Nhà thầu – Nhà phân phối – Khách hàng đang là mô hình được giới đầu tư địa ốc áp dụng hiệu quả.

Bắt tay vượt khó
Sau rất nhiều nỗ lực của chính phủ và các bên liên quan nhằm giải cứu thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa mang lại nhiều kết quả khả quan. Để không tiếp tục trượt xuống con dốc nguy hiểm, các doanh nghiệp bất động sản đã liên kết để tự cứu mình.
Hình thức liên kết được chủ yếu được áp dụng trong thời gian qua là hình thức liên kết giữa Ngân hàng và Chủ đầu tư dự án. Theo đó, khách hàng mua dự án sẽ được ngân hàng cho vay vốn (khoảng 60-80% giá trị căn hộ định mua) với mức lãi suất ưu đãi tùy thuộc vào từng ngân hàng và dự án.

Chung cư Tân Tây Đô. Ảnh: Hà Thu

Đơn cử, dự án Indochina Plaza Hà Nội liên kết ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng HD bank và dự án Dragon Hill Residence and Suites, Ngân hàng Quốc tế (VIB) với dự án Ehome 3, …
Hình thức này cũng đã giúp thị trường bất động sản có những phản ứng tích cực, nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do khách hàng đã mất niềm tin vào chủ đầu tư, đặc biệt là về vấn đề tiến độ thực hiện cũng như chất lượng của dự án.
Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã tiến hành một hình thức liên kết mới, kết hợp giữa các bên như: Ngân hàng, Nhà đầu tư và phát triển dự án, Chủ đầu tư, Nhà phân phối, và nhà thầu.
Trong đó, Nhà đầu tư và phát triển dự án sẽ chọn lựa Dự án hợp lý, thường là những dự án đã xong thô hoặc gần xong thô (nhưng không đủ tài chính tiếp tục hoàn thiện, không bán được hàng,…), đảm bảo tính pháp lý, giá cả vừa phải, đáp ứng được nhu cầu của chính người tiêu dùng thực sự chứ không dành cho đầu tư lướt sóng.
Nhà đầu tư và phát triển dự án chịu trách nhiệm thẩm định dự án; Nhà phân phối sẽ đưa ra những chiến lược marketing để phân phối dự án đến tận tay người tiêu dùng; Ngân hàng sẽ giải ngân trực tiếp cho nhà thầu để thi công đảm bảo bàn giao sản phẩm đúng tiến độ cho khách hàng. …
Có thể thấy, một ví dụ điển hình về liên kết nhiều bên này là sự liên kết giữa Công ty cổ phần tập đoàn Thế Kỷ, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Siêu thị dự án Bất động sản (đơn vị phân phối), chủ đầu tư các dự án Thăng Long Garden, Sails Tower, CT2A Tân Tây Đô,… cùng với một số nhà thầu.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cen Group, sự liên kết này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: ngân hàng sẽ giải quyết được nợ xấu, hỗ trợ chủ đầu tư đang mắc kẹt tại các dự án trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đặc biệt là mang lại sản phẩm hợp lý nhất với nhiều ưu đãi cho đa số khách hàng có nhu cầu thực về bất động sản.
Khách tin, dự án bán chạy
Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, một số dự án được triển khai theo mô hình liên kết này có giao dịch khá tốt.
Ví dụ, dự án Sails Tower trong vòng 3 tháng đã có 400 căn được giao dịch thành công. Dự án Thăng Long Garden trước khi được hỗ trợ vốn từng nằm bất động trong thời gian dài, nhưng đến nay cũng đã bán gần như 100% số căn hộ.
Dự án chung cư CT2A Tân Tây Đô trước đây dù đã xong thô khá lâu, nhưng chưa có nhúc nhích về việc tiếp tục hoàn thiện, nên ít được các khách hàng quan tâm. Đến nay, sau khi Công ty cổ phần tập đoàn Thế Kỷ mua lại 222 căn hộ còn lại của dự án này, bằng hình thức giải ngân trực tiếp để nhà thầu hoàn thiện nội thất các căn hộ, tiến độ thực hiện của dự án đã được đẩy nhanh hơn.
Chị Lan một khách hàng mua dự án CT2A Tân Tây Đô cho biết, trước đây dự án chậm triển khai, việc vay tiền mua nhà lại khó khăn, nên hai vợ chồng chị vẫn ngập ngừng chưa mua.
“Do tiến độ của dự án được cải thiện, cùng với quy trình, thủ tục mua bán khá thuận tiện, đặc biệt, chỉ cần 200 triệu đồng đã được sở hữu nhà, có thể trả góp tiền nhà với lãi xuất thấp thì thực sự là linh động cho những ai cần nhà mà lại có thu nhập vừa phải”, chị Lan nói.
Hà Thu

Nguồn VTC: http://vtc.vn/1-409108/kinh-te/chieu-tu-cuu-minh-cua-doanh-nghiep-dia-oc.htm