Chile: Sau động đất, sóng thần đổ bộ

300 người chết vì động đất ở Chile. Hủy bỏ cảnh báo sóng thần. Việt Nam thăm hỏi Chile.

Sau trận động đất mạnh 8,8 độ Richter xảy ra vào sáng sớm 27-2 tại Chile, sóng thần đã tàn phá nhiều địa phương ở miền Trung Chile. Sóng thần cao 2,5 m ập vào TP Talcahuano làm ngập lụt và hư hại cảng biển. Tổng thống đắc cử Sebastian Pinera (sẽ nhậm chức vào tháng 3) đã bay thị sát và nhìn thấy có nhiều người chết. Sóng thần lan đến các nước Trong 24 giờ sau động đất, sóng thần đã lan đến nhiều nước trong vành đai lửa Thái Bình Dương với tốc độ 720 km/giờ. Tại quần đảo Hawaii (Mỹ), sóng thần ập đến nhưng yếu hơn phân nửa so với quy mô dự đoán. Trước đó, thống đốc bang Hawaii đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa sân bay quốc tế và cảng biển. Lực lượng phòng vệ bờ biển dùng dây thừng giăng dọc bờ biển chặn không cho người xuống biển và sơ tán hàng ngàn người dân cũng như du khách. Dân xếp hàng mua xăng, đồ hộp, nến, thuốc dự trữ. Bờ biển bang California chỉ bị sóng nhẹ đánh vào. Sáng 28-2, sóng thần cao 0,5 m đã tiến vào bờ biển phía tây nước Úc. Dân các vùng trũng đã được sơ tán trước. Sóng thần cao 1,5 m cũng đã đổ bộ vào bờ biển New Zealand. Công tác cứu hộ khẩn trương tại Chile. Ảnh: AP Tại Nga, sóng cao gần 1 m đã đánh vào bán đảo Kamchatka ở bờ biển phía đông. Trước đó, cư dân bán đảo Kamchatka và đảo Sakhalin đã nhận được lệnh sơ tán đề phòng sóng thần với mức dự báo cao 2 m ập vào. Trưa cùng ngày, sóng thần lan đến quần đảo Ogasawara và Hokkaido của Nhật. Tại Ogasawara, sóng chỉ cao 10 cm, còn tại Hokkaido sóng cao 30 cm. Vài giờ trước đó, Nhật dự báo sóng thần cao tới 3 m và phát cảnh báo đến các tỉnh duyên hải. 245.000 hộ gia đình đã được sơ tán khẩn cấp. Tại đảo quốc Tonga, sóng thần cao 2 m đã ập vào bờ biển phía bắc. Trước đó, 50.000 người đã đi sơ tán. Tại Philippines, hàng ngàn người ở dọc bờ Thái Bình Dương đã đi sơ tán vào sáng 28-2. Đến trưa, sóng thần tiến vào nhưng không cao hơn 1 m. Hiện thời Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã hủy bỏ cảnh báo sóng thần đối với các nước bên bờ Thái Bình Dương. Các nước sẵn sàng cứu trợ Dư chấn từ trận động đất ở Chile đã lan đến Argentina làm đổ một bức tường ở Salta. Một người chết, hai người bị thương. Một số tòa nhà ở thủ đô Buenos Aires đã ra lệnh sơ tán. Tại Chile, Tổng thống Michelle Bachelet loan báo số người chết trong động đất đã tăng lên 300 người với 0,5 triệu nhà bị hư hại. Tại thủ đô Santiago, sân bay bị hư hại. Mạng lưới xe điện ngầm ngưng hoạt động. Giao thông rối loạn do cầu gãy. Các dịch vụ cơ bản (điện, nước, điện thoại) vẫn chưa khôi phục. Đã xảy ra tình trạng cướp phá tiệm thuốc Tây, kho thực phẩm. Tại TP Concepcion, một chung cư với 200 người sinh sống đã bị sập. Tại TP Valparaiso, cảng biển chính của Chile phải đóng cửa. Hai nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động. Sóng thần từ tâm chấn động đất ở Chile (châu Mỹ) lan ra quần đảo Hawaii, Nga, châu Á, Úc (con số trong ảnh chỉ thời gian sóng thần lan ra tính theo đơn vị giờ). Ảnh: NEW YORK TIMES Cầu, đường sụp đổ ở thủ đô Santiago (Chile). Ảnh: AP Ngay trong ngày 27-2, Liên minh châu Âu thông báo sẽ cứu trợ 3 triệu euro. Tổng thống Mỹ Obama đã gọi điện thoại cho tổng thống Chile cho biết Mỹ luôn sẵn sàng một khi Chile lên tiếng cần trợ giúp. Các nước Mỹ La tinh như Argentina, Venezuela, Brazil, Uruguay, Bolivia, Costa Rica, Panama, Guatemala, Cộng hòa Dominican tuyên bố sẵn sàng cứu trợ cho Chile. Peru sẽ tổ chức một ngày quốc tang (1-3) nhằm tỏ tình đoàn kết với Chile. Anh, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Trung Quốc… cũng ngỏ ý trợ giúp Chile. Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ hỗ trợ tái thiết Chile. Việt Nam thăm hỏi Chile Được tin trận động đất ngày 27-2 gây thiệt hại to lớn về người và của đối với Chile, ngày 28-2, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với tư cách chủ tịch ASEAN và bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chile Mariano Fernandez. Vành đai lửa Thái Bình Dương Chile nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương có hai mảng kiến tạo hội tụ có thể gây động đất từ 8 độ Richter trở lên trong mỗi 10 năm. Vành đai lửa Thái Bình Dương hay còn gọi là vành đai địa chấn Thái Bình Dương gắn liền một dãy liên tục các rãnh đại dương, vòng cung quần đảo, núi lửa (các chấm tròn trong ảnh) với các mảng kiến tạo. Vành đai lửa có hình dạng như vành móng ngựa dài khoảng 40.000 km, chạy dài ven biển Nam Mỹ, Bắc Mỹ qua Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Úc, New Zealand và Nam cực. Khoảng 71% số trận động đất có cường độ mạnh nhất thế giới diễn ra tại vành đai lửa này. Tại Chile vào ngày 22-5-1960 đã từng xảy ra trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay với cường độ 9,5 độ Richter, cắt đứt hơn 1.000 km đường tiếp xúc giữa hai mảng kiến tạo. Hầu hết các thành phố ven biển của Chile đều phải chịu một trận động đất lớn trong thế kỷ qua. H.DUY ĐĂNG KHOA (Theo AP, AFP)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010022811324861p0c1017/chile-sau-dong-dat-song-than-do-bo.htm