Chín mươi năm những dòng sông âm nhạc

Việt Nam có hơn 2.000 dòng sông có độ dài trên 10km nên hiển nhiên 'quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà' như lời bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ của Hoàng Hiệp.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Chín mươi năm những dòng sông âm nhạc của tác giả Nguyễn Trương Quý.

Sông nước đi vào vốn văn hóa Việt Nam ở mọi vùng miền, dòng nước dù hiền hòa hay cuồn cuộn cũng đều song hành với âm nhạc, tạo ra một lưu vực mênh mang bài ca về những con sông xứ sở.

Hình ảnh sông Hồng tại thành phố Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Từ những thủy trình mang niềm ly biệt

Kể từ thời tân nhạc ra đời từ giữa thập niên 1930, đã có hàng trăm, nghìn bài ca “ướt đẫm” sông quê. “Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu” - Dòng sông và bến nước là những biểu tượng cho chia ly và chờ đợi, mặc nhiên rất thích hợp cho diễn tả những ý niệm nằm trong mỹ cảm lãng mạn. Ca từ bày tỏ những trải nghiệm riêng tư được kết hợp với khung cảnh mang tính phổ quát, tạo ra sức hút cho một tâm thế “đẹp và buồn” của thời đại.

“Biệt ly, sóng trên dòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng, và mây trôi, nước trôi, ngày thắm trôi cùng nước trôi…” (Biệt ly - Doãn Mẫn, lời Phi Tâm Yến, 1939)

Tưởng chừng không có gì mới lạ so với vốn thi ca truyền thống tràn ngập những điển phạm về sông nước ly biệt nhưng ở đây đã có sự xuất hiện tên gọi những con sông, dù là phiếm chỉ trong âm hưởng điệu sa mạc não nuột: “Trôi trên sông Thương, nước chảy đôi dòng” (Con thuyền không bến - Đặng Thế Phong, 1939) hay gọi đích danh hùng dũng trong thể hành khúc: “Đây Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung” (Bạch Đằng giang – Lưu Hữu Phước, lời: Mai Văn Bộ - Nguyễn Thành Nguyên, 1940).

Sông nước lênh đênh gắn với kỷ niệm của lữ khách, đặc biệt tương hợp với cảm thức về phiêu bạt của tuổi trẻ, từ hẹn hò người yêu ở dòng “suối mơ bên rừng thu vắng” đến “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan” tìm một cõi thần tiên như những bài hát Suối mơ, Bến xuân, Thiên Thai của Văn Cao, tạo ra một sự mỹ hóa cho những cuộc xê dịch. Những nhân vật gắn với sông nước cũng thành cảm hứng cho những bài hát như Chàng Trương Chi trong bài hát của Văn Cao, Phạm Duy, Hùng Lân, hay những cô lái đò trong nhạc Hoàng Quý, Nguyễn Đình Phúc.

Chẳng có cuộc hẹn hò nào trở thành cuộc đoàn viên, bởi lẽ sự vô định của những thủy trình đã sẵn mang niềm chia biệt, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng từ những cuộc chia ly thời chiến cuối thập niên 1940 đến trước năm 1954. Những nhạc sĩ thời này dành nhiều cảm hứng cho những bến bờ trong thời loạn, từ Anh Việt với Bến cũ, Lỡ chuyến đò đến Đoàn Chuẩn - Từ Linh với Chuyển bến, Lá đổ muôn chiều: “Thuyền ơi sao mê say nhiều quá, đường mê khôn ai ngăn cản lối, một sớm thu về chuyển bến xuôi, về nơi đâu nữa trời? Bến nao?” (Chuyển bến, 1951).

… đến những dòng êm trôi

Kháng chiến đã tạo ra những vùng căn cứ ở khắp các vùng sơn cước và nông thôn, nơi có những con sông, dòng suối làm bầu bạn với chiến sĩ. Ngay sau khi tản cư về làng Bình Đà vùng Hà Đông cũ, Văn Cao đã khởi nên một bài hát mang tính phổ quát nhất về làng quê - Làng tôi (1947). Trong ngôi làng ấy, con sông là nền cảnh đựng tất thảy vẻ đẹp: “Đời đang vui đồng quê yêu dấu, bóng cau với con thuyền một dòng sông”.

Các nhạc sĩ đi kháng chiến viết về con sông quê hương, trước hết gợi ra những ký ức thanh bình: “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi, đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi” (Con kênh xanh xanh – Ngô Huỳnh, 1949). Ký ức này cũng xuất hiện trong lời ca các nhạc sĩ vùng tạm chiếm như Làng tôi (Chung Quân, 1950) với “làng tôi có cây đa cao ngất từng không, có sông sâu lờ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam”, được phổ biến rộng rãi nhờ nữ diễn viên Kim Chung hát trong bộ phim Kiếp hoa ra mắt năm 1953, là bộ phim có tiếng nói hoàn chỉnh đầu tiên còn lưu giữ được của Việt Nam.

Nhưng những con sông ấn tượng nhất là những dòng sông gắn với các chiến tích, nổi bật nhất là chiến thắng sông Lô thu đông 1947. Có đến gần chục ca khúc về chiến thắng này, và trong đó, dòng sông Lô hiện lên với dáng vẻ đan quyện giữa cảm hứng trữ tình và sử thi, mở ra một chương mới cho tân nhạc Việt Nam. Văn Cao, nhạc sĩ lúc này với tư cách tác giả nổi bật nhất trong làng nhạc, ra đời bản trường ca được đánh giá là bước trưởng thành cho ca khúc Việt Nam, gọi sông Lô bằng một giọng thiết tha, quyến rũ cả bằng những mô tả gai góc và dày công tạo chi tiết, gợi nhớ những bản vũ khúc của âm nhạc cổ điển phương Tây: “Sông Lô! Sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc, chìm một màu khói thu… Vui hát ca hòa vui hát ca hòa chí kiến thiết, bên sông Lô đắp nhà, bao dân trong khu Mười mơ thành người sông Lô…”

Trong khi đó, cảm hứng này lại được Phạm Duy dụng công trong âm hưởng điệu hò trong Tiếng hát trên sông Lô, với lời ca mộc mạc theo chủ ý của mạch “dân ca kháng chiến”: “Khoan hỡi hò khoan. Hôm nào chiến sĩ Việt Nam. Trên dòng sông mênh mang. Súng thần công vang vang. Sông mờ hoen máu thực dân. Hai nghìn quân Pháp vùi thân. Oai hùng thay Lô giang”.

Những bản trường ca đầu tiên cũng gọi tên sông Hồng, con sông mẹ của miền Bắc với một sức ảnh hưởng vô bờ, đưa hình tượng con sông này tựa như sông thiêng, từ tổ hợp “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” (Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi, 1948) đến “Hồng Hà ơi! Ta nhớ mùa thu xưa nước về như sóng cờ lên khi quân về thủ đô” (Du kích sông Thao – Đỗ Nhuận, 1949).

Những cuộc chinh phục thiên nhiên cũng song trùng với công cuộc kháng chiến, từ “Hò ơ! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi, trên sông Vàm Cỏ Đông” (Lên ngàn - Hoàng Việt, 1952) đến “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sông trào nước xoáy” (Tiểu đoàn 307 – Nguyễn Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính, 1950). Có thể nói, đây chính là những khởi đầu cho một dòng ca khúc “địa phương ca” sẽ còn ảnh hưởng nhiều thập niên sau.

Việc trữ tình hóa các dòng sông có lý do tự nhiên, ngoài nguồn lực về sinh kế, nguồn lợi thủy sản hay giao thông thủy, còn là những thắng cảnh và không gian văn hóa. Vào thập niên 1940, với sự thuận tiện hơn về giao thông xuyên Việt và sự tăng lên của tầng lớp trung lưu, việc ghé thăm những địa danh như Huế, Đà Lạt cũng tạo ra một cảm hứng cho bài hát về những dòng sông lãng mạn. Những thành phố bên các dòng sông với vai trò trung tâm văn hóa đã thu hút tài tử giai nhân dừng chân, để rồi các bài ca được viết ra ghi dấu kỷ niệm. Sông Hương chảy qua cố đô Huế hội tụ những điều kiện để tạo cảm hứng cho một truyền thống bài ca, do ảnh hưởng của quá khứ vàng son từ khi còn là kinh đô của triều đình nhà Nguyễn.

Không gian trữ tình của đền đài thành quách và dòng sông mềm mại như hơi thở, với những nàng tôn nữ áo trắng và những kỹ nữ trên sông, trong âm thanh những làn điệu hò Huế, mái nhì mái đẩy, cùng những khúc Nam Ai, Nam Bình, trở thành cái cớ cho những bài hát não nuột chỉ về một dòng sông. Khởi từ Trên sông Hương (1936) của Nguyễn Văn Thương, con sông xưa cũ của “miền thùy dương bóng dừa ngàn thông. Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài…” (Về miền Trung - Phạm Duy, 1948), giai điệu não nuột thành ấn tượng đậm nét trong Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước, 1951), Tiếng sông Hương (trong bộ ba Hội trùng dương – Phạm Đình Chương, 1954): “Miền Trung vẳng tiếng: Em xin em bé tên là Hương Giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than…”.

Những thập niên sau, sông Hương tạo ra một đường dẫn cho những ca từ viết về đất Huế: Thương về xứ Huế (Minh Kỳ & Hoài Linh, 1958), Khúc tình ca xứ Huế (Trần Đình Quân, 1958), Mưa trên phố Huế (Minh Kỳ, thơ Tôn Nữ Thụy Khương)… Hầu hết chúng đều là bối cảnh của những hẹn hò và chia tay, với niềm sầu man mác thành “thương hiệu” đất Thần kinh: “Ngày mai lênh đênh trên sông Hương, theo gió mơ hồ hồn về đâu? Sóng sầu dâng theo bao năm tháng, ngóng về đường lối cũ tìm em…” (Gợi giấc mơ xưa – Lê Hoàng Long, 1954).

Những dòng sông làm nên đất nước

Bộ ba Hội trùng dương cũng trở thành một đỉnh cao của trường ca với những dụng công kết nối hình ảnh ba dòng sông lớn ba miền hợp thành biểu tượng đất nước, nếu Tiếng sông Hương vận dụng điệu hò mái đẩy thì Tiếng sông Hồng phỏng điệu hò dô ta, Tiếng sông Cửu Long đưa đôi câu ru con Nam Bộ vào giữa những đoạn phiên khúc tiết tấu nhanh cuồn cuộn như sóng xô.

Dòng sông Hương. (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Cũng tương đồng với định đề ba dòng sông là ba miền, Phạm Duy cũng gợi nên bức tranh đất nước với ba dòng sông: “Tôi yêu những sông trường, biết ái tình ở dòng sông Hương, sống no đầy là nhờ Cửu Long, máu sông Hồng đỏ vì chờ mong” (Tình ca, 1953). Cách thức cấu tứ này cũng xuất hiện trong một bản hùng ca đồ sộ là Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương, 1948) với sông Hương xuất hiện như sự mở đầu mãnh liệt: “Hướng về Nam! Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi Nong…”.

Những năm tháng chiến tranh, người hai miền hoặc nhìn dòng sông như phương tiện phục vụ chiến đấu hay lao động sản xuất, hoặc như vật chứng kết nối tâm tình của thời chia ly. Sông Bến Hải ngay sau hiệp định Geneve đã trở thành một đề tài chiếm sóng thời sự và đi vào tân nhạc với nhiều tâm sự.

Những con sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long hay sông Hương vẫn tiếp tục là những ký thác về quê nhà miền Nam của những người tập kết. Lọc qua những định đề tuyên truyền, những bài ca đứng lại với thời gian vẫn khiến người nghe cảm động với khao khát đoàn tụ, từ Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp, lời Hoàng Hiệp & Đằng Giao, 1956), Nhớ đàn xe nước (Vân Đông, 1958), đến “bến nước Cửu Long còn đó em ơi, bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời” trong Tình ca (Hoàng Việt, 1957). Xen giữa những lời kêu gọi “cuộn dâng phong ba” là những thủ thỉ ngọt ngào: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết: Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông!” (Vàm Cỏ Đông – Trương Quang Lục, thơ Hoài Vũ, 1966).

Ở miền Nam, những bài hát đại chúng hướng đến đối tượng bình dân mang mối hoài niệm về vùng nông thôn khói lửa vận dụng những thể tài phỏng điệu chèo thuyền hay điệu hò, kết hợp lối hát ảnh hưởng từ cải lương, dẫn đến những bài hát theo điệu mambo và bolero dễ hát và “mùi”, hợp với cảm xúc hoài niệm thôn dã: Trăng rụng xuống cầu, Chuyện tình cô lái đò bến Hạ (Hoàng Thi Thơ), Chín dòng sông hò hẹn (Trúc Phương)…

Ở miền Bắc, những con sông là nơi triển khai những công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thường được trữ tình hóa bằng cách gắn kết tình yêu của đôi lứa, từ Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh, thơ Cẩm Giang) đến Mùa xuân trên sông Nậm Hu (Hoàng Vân), cũng như là trận địa với những Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp), Sông Dakrong mùa xuân về (Tố Hải), Người lái đò trên sông Pô Kô (Cầm Phong, thơ Mai Trang)… Sau khi thống nhất đất nước, có một hiện tượng nở rộ các bài ca về những dòng sông khắp nơi, nhất là những dòng sông làm thủy điện như Dòng sông quê anh, dòng sông quê em (Đoàn Bổng, thơ Lai Vu), Tiếng gọi sông Đà (Trần Chung), Về giữa Trị An (Trịnh Công Sơn), Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập), Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn)…

Những con sông trở thành điểm hẹn của tình tự đôi lứa, kể cả trong bối cảnh những cuộc chiến tranh biên giới kéo dài, tựa như một cầu nối giảm áp trong những năm tháng khó khăn: “Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, ở trên anh mùa này con nước, nơi phù sa in lắng đôi bờ…” (Gửi em ở cuối sông Hồng – Thuận Yến, thơ Dương Soái). Những con sông thời mới khoác một vẻ trữ tình sang trọng ngay trong đề tài lao động: “Em có nghe dòng sông hát cung bậc trầm, lòng anh say đắm…” (Tình yêu con tàu và dòng sông – Nguyễn Đức Trung), “Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở, bằng tiếng sóng vỗ dưới những thân tàu” (Thành phố tình yêu và nỗi nhớ - Phạm Minh Tuấn, thơ Nguyễn Nhật Ánh). Những bài ca về con sông dùng các làn điệu dân dã bản địa, tạo ra một sức quyến rũ tập thể, từ Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh), Tùy hứng lý qua cầu (Trần Tiến) đến Huế, tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai, thơ Đỗ Thị Thanh Bình), Huế thương (An Thuyên), Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu)… Những dòng sông cũng tạo ra những hình dung mang tính thẩm mỹ về cuộc sống gắn với dòng sông, từ chỗ là hoài niệm quê nhà đến suy tư về cõi sống, như Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương).

Gần một thế kỷ trôi qua, lịch sử tân nhạc cũng là một lịch sử sự tiếp cận sông nước qua góc độ biến thành đối tượng nghệ thuật. Cũng như muôn vàn hình thế sông ngòi từ dòng suối nhỏ bé đến trường giang, các bài hát về sông có thể là những đoản khúc giản dị nhưng cũng có khi đồ sộ của tầm vóc hợp xướng. Âm hưởng sông nước với vai trò bối cảnh tự nhiên khiến cho các tác giả có cơ may vượt qua những khuôn sáo thời đại, để rồi những bài ca vẫn còn được hát lên đến giờ.

Nguyễn Trương Quý

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chin-muoi-nam-nhung-dong-song-am-nhac-2264845.html