Chính phủ chỉ đạo “phủ sóng" rộng hơn các chương trình bình ổn giá

Ngày 16/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá chương trình bình ổn giá của Chính phủ với một số bộ, ngành và 36 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ tết, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, số doanh nghiệp (DN) và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai chương trình ngày càng tăng, đa dạng phong phú về các mặt hàng.

Đi đầu trong triển khai chương trình bình ổn giá là TP Hồ Chí Minh. Đến nay, chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh đã tăng lên 20 DN tham gia và với vốn vay là 446 tỷ đồng.

Chương trình bình ổn đã không ngừng được nhân rộng, đến nay cả nước có 36 tỉnh, thành thực hiện chương trình bình ổn giá với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng, hiện cả nước có khoảng 6.400 điểm bán hàng. Hai địa phương triển khai hiệu quả nhất của chương trình này là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương được giữ tương đối ổn định và đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%, 2 năm liên tiếp, CPI 2 thành phố lớn đều thấp hơn CPI cả nước.

Bên cạnh các kết quả, tác động tích cực, phát biểu từ các địa phương, các tập đoàn, DN thương mại tham dự chương trình đi sâu phân tích những phương hướng mới, các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần được điều chỉnh trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về sơ kết đánh giá chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Ảnh: TTXVN.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả, tác động tích cực của các chương trình bình ổn giá thời gian qua. Đặc biệt là các kết quả, chỉ tiêu về số địa phương, số doanh nghiệp, điểm bán hàng,... đều tăng lên, trong đó, điều đáng mừng là đã tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ giảm giá duy trì được thường xuyên, đáng kể.

Tán thành với các phân tích, đề xuất của các địa phương, các DN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những vấn đề cần tháo gỡ để chương trình bình ổn giá tiếp tục phát huy tác dụng mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.

Trong đó, chương trình cần tập trung đẩy mạnh mở rộng đối tượng DN tham gia. Và đặc biệt, nâng cao nhận thức của DN, coi trọng lợi ích cộng đồng trong đó có lợi ích của chính mình, việc bình ổn giá là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm xã hội của từng DN.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế để các địa phương thực hiện chương trình bình ổn, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng hàng hóa, quản lý phân phối hàng hóa, thường xuyên cập nhật, thể chế hóa các chương trình thành các quy định chặt chẽ.

Trên tinh thần đó, các địa phương hết sức ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng bình ổn, kiên định, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành quản lý thị trường, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và có chính sách đi kèm nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia chương trình bình ổn…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2012/6/174324.cand