Chính phủ gỡ khó cho giao thông Hà Nội

Trước tình trạng ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn, ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về giải pháp chống ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP Hà Nội.

Cuộc họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, then chốt đối với sự phát triển hạ tầng, khai thông bế tắc về cơ chế, chính sách, tạo cho Thủ đô một bước đà mạnh mẽ để vượt lên trong bối cảnh phải đối diện với vấn nạn UTGT hiện tại.

3 nguyên nhân chính

Đánh giá chung về công tác điều hành, quản lý giao thông của Hà Nội thời gian qua, Chính phủ đã nhìn nhận những kết quả tích cực mà chính quyền và Nhân dân Thủ đô đạt được. Giai đoạn 2011 – 2016, Hà Nội đã giảm số điểm đen UTGT từ 89 xuống còn 41 điểm; trong đó 13/17 điểm phát sinh UTGT trở lại là do nguyên nhân khách quan khi thi công những công trình giao thông trọng điểm như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng UTGT diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn Thủ đô.

Ùn tắc giao thông trên phố Tây Sơn vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Thứ nhất, do TP Hà Nội tổ chức triển khai, quản lý quy hoạch xây dựng chưa tốt, việc kiểm soát dân số đô thị còn nhiều hạn chế, tổ chức không gian đô thị chưa hợp lý, công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập. Đánh giá về khía cạnh này, giới chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch giao thông đi sau quy hoạch xây dựng là một bất cập lớn, cực kỳ khó giải quyết. Hạ tầng đường sá hiện nay không chỉ bị quy mô dân số và nhà ở bỏ xa, mà thậm chí còn bị chiếm hữu để phục vụ lợi ích kinh tế của nhóm người dân quần cư ven các tuyến đường giao thông bất kể lớn nhỏ. Thứ hai là kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhất là các tuyến đường kết nối, đường vành đai. Đơn cử như Vành đai 3, một trong những trục đường huyết mạch, chịu đựng áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội hiện vẫn còn nhiều khoảng hở tại bán đảo Linh Đàm, cầu vượt Mai Dịch – cầu Thăng Long... hạn chế đáng kể tác dụng của nó đối với mạng lưới giao thông chung của TP. Biết vậy, nhưng Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn khi thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù để tìm kiếm nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Trong một phát biểu gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Nếu không có cơ chế tài chính, đầu tư đặc thù, thì Hà Nội không có cách gì giải quyết được vấn nạn UTGT hiện nay và trong thời gian tới, tắc đường sẽ trở thành thảm họa”.

Thứ ba là tốc độ gia tăng “phi mã” của phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP. Trong khi hạ tầng chỉ đạt tốc độ phát triển 3,9%/năm thì lượng xe cá nhân tại Hà Nội tăng 7,6 - 12,9% trong giai đoạn 2011 – 2015. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Huy Thông nhận định: “Thực tế mất cân đối giữa phương tiện cá nhân và hạ tầng cũng như mạng lưới vận tải công cộng vừa khiến gia tăng UTGT, vừa có ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức người tham gia giao thông; khiến họ ưa dùng xe cá nhân hơn, khi đi lại cũng dễ có thói quen ích kỷ, phá luật, gây mất trật tự, ATGT”.

Tạo đà để đột phá

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với một số giải pháp do UBND TP Hà Nội đề xuất. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, giao thông ngầm, đường trên cao, báo cáo Thủ tướng trong quý I/2017. Tập trung đầu tư hoàn thiện, khép kín các Vành đai: 1, 2, 2,5, 3, 3,5, 4, 5; và các trục hướng tâm: QL6, 1A, 21; đường 70; các trục chính đô thị kết nối với vành đai... Triển khai đầu tư các cầu qua sông Hồng, sông Đuống theo hệ thống đường vành đai như: Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Hồng Hà, Mễ Sở, Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo và cầu Đuống 2. Hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội và tập trung triển khai sớm 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch. Đầu tư các bến xe khách, xe tải, bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông tĩnh, đảm bảo kết nối đường bộ, đường sắt.

Để có cả nguồn lực tài chính lẫn hành lang pháp lý thông thoáng, giúp Hà Nội nhanh chóng hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế đặc thù cho Hà Nội được lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án cầu qua sông Hồng, khép kín các đường vành đai. 5 dự án đó gồm: Cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường 70 được thực hiện theo hình thức BT; dự án nút giao khác mức giữa Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long; khép kín đường Vành đai 2,5, 3,5. Ủy quyền cho UBND TP Hà Nội thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án nhóm A gồm: Đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, kể cả 2 cầu vượt qua đường Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh; dự án đường Tây Thăng Long đoạn từ Phạm Văn Đồng - Văn Tiến Dũng. Đồng ý về nguyên tắc để UBND TP Hà Nội chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Quan trọng hơn, Chính phủ đã đồng ý để Hà Nội kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước (ưu tiên nhà đầu tư trong nước) thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đặc biệt là các tuyến tàu điện ngầm. Giao UBND TP Hà Nội rà soát lại các nguồn lực hiện có để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017. Đồng thời, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phải cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng ODA cho các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm mức phân bổ phù hợp với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hà Nội theo hướng do Thủ tướng làm Trưởng ban, một Phó Thủ tướng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Phó Trưởng ban.

Bên cạnh những quyết sách kịp thời, khai thông bế tắc về cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông cho TP, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội phải hoàn thiện thể chế quản lý đô thị, tập trung hạn chế gia tăng dân số tại khu vực nội đô lịch sử. Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển GTVT, đồng thời phải chú trọng đầu tư, xây dựng trước hệ thống giao thông xung quanh, gần khu vực thực hiện các dự án nhà cao tầng.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý để UBND TP Hà Nội xây dựng Đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân, xác định lộ trình giảm xe ô tô, xe mô tô cá nhân. Trước mắt rà soát và có cơ chế, chính sách xử lý các xe máy đã quá niên hạn sử dụng nhằm đảm bảo ATGT và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chinh-phu-go-kho-cho-giao-thong-ha-noi-279486.html